Thể thao

Sông Lam Nghệ An bết bát, lãnh đạo ngành văn hóa - thể thao tỉnh nói đáng buồn

Tại kỳ họp HĐND tỉnh, giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An chia sẻ tình trạng đáng buồn về đội tuyển Sông Lam Nghệ An thi đấu "bết bát".

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An - trả lời chất vấn sáng 6-12 - Ảnh: DOÃN HÒA

Sáng 6-12, tại kỳ họp thứ 25, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan hai nhóm nội dung của Sở Y tế và Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An.

Tại phiên chất vấn, ông Vi Văn Quý - đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An tại huyện Quỳ Hợp - đặt câu hỏi thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng vận động viên trẻ được tỉnh chú ý, tuy nhiên vẫn xảy ra những vấn đề nổi cộm mà cử tri, người hâm mộ quan tâm.

Ví dụ như chuyện gian lận tuổi tại U11 Sông Lam Nghệ An, thành tích thi đấu bết bát của đội 1 Sông Lam Nghệ An khi chuyển nhượng các cầu thủ trẻ có chất lượng sang đội tuyển khác, chỉ thi đấu để trụ hạng. Sau 9 vòng đấu V-League 2024/2025, Sông Lam Nghệ An chỉ có 5 trận hòa, 4 trận thua, tạm xếp vị trí thứ 13/14.

"Ngành văn hóa, thể thao cần có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này để lấy lại niềm tin cho người hâm mộ?", ông Quý nói.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An - cho biết sau khi báo chí đưa tin về việc gian lận tuổi của U11 Sông Lam Nghệ An, sở đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra để chấn chỉnh, cùng với các địa phương rà soát lại tuổi các cầu thủ trẻ.

"Hiện nay quy trình tuyển chọn các lứa U rất chặt chẽ qua các câu lạc bộ, giải trẻ, lớp nghiệp dư. Ngành chỉ tham mưu về chuyên môn bóng đá, còn chuyện tuổi cầu thủ phải căn cứ vào hộ khẩu, căn cứ công dân và hồ sơ pháp lý. Chúng tôi cũng mong các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để không còn gian lận tuổi", bà Hạnh nói.

Cầu thủ Sông Lam Nghệ An tập luyện - Ảnh: VĂN TRUNG

Chia sẻ về thành tích hiện tại của đội 1 Sông Lam Nghệ An là "tình trạng đáng buồn", bà Hạnh cho biết năm ngoái đội đã "lách qua khe cửa hẹp" để trụ hạng thành công với muôn vàn khó khăn.

"Các cầu thủ đội 1 chủ yếu được đôn từ các đội trẻ lên, còn chưa có kinh nghiệm và thể lực yếu. Hiện nay Sông Lam Nghệ An đang hoạt động theo cơ chế mô hình doanh nghiệp Tân Long tài trợ. Thời gian tới ngành sẽ tham mưu cho tỉnh kêu gọi thêm doanh nghiệp để hỗ trợ, phát triển đội bóng có thành ích tốt hơn", bà Hạnh cho hay.

Còn đại biểu Trần Ngọc Sơn - huyện Tân Kỳ - nêu vấn đề hiện không có quy định, quy chuẩn cụ thể về kích cỡ, vật liệu quảng cáo, dẫn đến tình trạng biển bảng có đủ hình dạng, màu sắc, kích thước và được lắp đặt tùy tiện ở nhiều vị trí.

"Quảng cáo rao vặt trên tường, cột điện, cây xanh vẫn còn phổ biến, làm mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra việc biển hiệu lấn chiếm vỉa hè cũng ảnh hưởng đến giao thông. Cần phải có giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước để khắc phục tình trạng này", ông Sơn kiến nghị.

Giải trình vấn đề này, Hạnh cho biết đây là thực trạng đã tồn tại lâu nay. Các bộ ngành và UBND tỉnh đều có quy định pháp lý, quy hoạch quảng cáo ngoài trời và các định mức kỹ thuật để xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo.

Trong thời gian tới ngành sẽ đưa ra các giải pháp mới để khắc phục bất cập, nhất là việc ứng dụng công nghệ hiện đại như màn hình led, làm thay đổi nhu cầu và vị trí quy hoạch. Ngoài ra sở phối hợp cùng các địa phương, đặc biệt tại TP Vinh để quy hoạch quảng cáo ngoài trời bài bản, đảm bảo văn minh đô thị.

Tác giả: Doàn Hòa

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP