Trong tỉnh

'Sống chậm' với con đường khổ ải ở miền Tây xứ Nghệ

Tổng chiều dài chỉ 19km, nhưng người dân và các thầy cô giáo nơi đây phải mất hàng tiếng đồng hồ mới đi qua được con đường khổ ải này.

Con đường đất nói trên nối từ Quốc lộ 16, đoạn ngã ba bản Na Pục, xã Châu Thôn (Quế Phong) vào 4 bản người Mông của xã biên giới Tri Lễ. Đó là các bản: Mường Lống, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2, Nậm Tột. Ngoài người dân các bản nói trên, tuyến đường còn phục vụ việc đi lại của thầy cô giáo dạy tại các điểm Trường tiểu học Tri Lễ 4, Trường Mầm non Tri Lễ và các chiến sĩ biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Tri Lễ.

Con đường từ ngã ba bản Na Pục, xã Châu Thôn vào 4 bản người Mông dài 19km nhưng vào ngày mưa phải đi mất hàng tiếng đồng hồ. Ảnh: Hùng Cường

Con đường trở như một "cửa ải" thử thách bất cứ ai. Ngày trời nắng việc đi lại trên con đường này cũng đã vất vả vì đường nhỏ, dốc, cua nhiều. Và mọi việc trở nên kinh khủng hơn nhiều lần nếu trời mưa. Lúc này con đường đất biến thành tuyến sình lầy, đặc quánh bùn đỏ. Để “hoàn thành” 19km chiều dài đường, mọi người phải mất hàng tiếng đồng hồ. Ảnh: Hùng Cường.

Cận cảnh lốp xe được quấn xích khi đi trên tuyến đường. Để đi được trên con đường này, người dân, các thầy cô giáo phải dùng xích xe máy quấn quanh lốp xe nhằm tăng ma sát, giúp phương tiện bám đường, chống trơn trượt. Ảnh: Hùng Cường

Vậy nhưng vào các đợt mưa kéo dài, cách làm này cũng chẳng mấy hiệu quả. Rất nhiều điểm trên tuyến đường hoàn toàn bị sục bùn đất, rất khó đi lại. Bùn đất "giúp" chiếc xe đứng vững không cần chân chống. Ảnh: Hùng Cường

Người dân và các thầy cô giáo khi cần ra trung tâm hay vào bản trong điều kiện trời mưa đều không dám đi một mình. Họ thường đi thành nhóm để hỗ trợ nhau. Đi đường, có một thứ ai cũng phải mang theo là các thanh tre, nứa để gỡ, cạy bùn đất bết lốp và gầm máy xe. Ảnh: Hùng Cường

Chiếc xe này buộc phải cắt ngắn xích nhằm tăng khả năng vượt lầy. Ảnh: Hùng Cường

Giây phút nghỉ ngơi của người dân sau khi qua đoạn đường khổ ải. Ông Thào Thông Lỳ - Bí thư Chi bộ bản Mường Lống cho biết: “Tôi dậy rất sớm, chuẩn bị mọi thứ để ra xã để họp, nhưng đường trơn trượt, xe nhích từng đoạn, đành phải chậm...”. Đúng là qua tuyến đường này, bắt buộc mọi người phải "sống chậm". Ảnh: Hùng Cường

Tác giả: Hùng Cường

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP