Viết trên The Conversation, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Viện Công nghệ Massachusetts (MIT- Mỹ) cho biết họ đã phát hiện những phân tử lớn, phức tạp chứa carbon và hydro trong một đám mây khí bụi giữa các vì sao, có thể chính là các hạt mầm của sự sống.
Đám mây khí bụi đó mang tên Rosette, nằm cách Trái Đất 450 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Kim Ngưu.
Đám mây phân tử Rosette - Ảnh: ESA |
Theo bài công bố của nhóm tạp chí Science, phân tử được đề cập đến được gọi là 1-cyanopyrene, một hydrocarbon thơm đa vòng (PAH), tức loại phân tử được tạo thành từ các vòng nguyên tử carbon.
Quan trọng hơn, 1-cyanopyrene được hình thành từ một chất nổi tiếng là pyrene, khi tương tác với xyanua.
Do vậy phân tử này được coi là "chất đánh dấu" của pyrene, bởi bản thân pyrene không thể phát hiện được bằng các kính viễn vọng.
Trong khi đó, pyrene đã được các nghiên cứu khác chỉ ra là một trong những thứ hình thành nên "xương sống" của sự sống sơ khai trên Trái Đất 3,7 tỉ năm trước.
1-cyanopyrene cũng là PAH lớn nhất được phát hiện trong không gian.
Mặc dù nó vẫn nhỏ so với các PAH hay được thấy trên Trái Đất, nhưng việc nó tồn tại được trong vùng không gian khắc nghiệt, đầy bức xạ hủy diệt giữa các vì sao đã là quá kỳ diệu.
Hơn nữa, dựa vào tỉ lệ pyrene cần có để tạo ra 1-cyanopyrene, phát hiện mới cũng chứng minh môi trường xa xôi này có rất nhiều pyrene.
Nói cách khác, những "hạt mầm" đầu tiên của sự sống dường như đã được sản xuất ra từ nơi khó ngờ đó.
Phát hiện này cũng liên kết với một phát hiện quan trọng khác của thập kỷ qua là propylene oxide, phân tử chiral đầu tiên trong môi trường liên sao.
Phân tử chiral cũng là một loại phân tử được chứng minh là tham gia vào quá trình tiến hóa của các dạng sống địa cầu sơ khai.
"Cho đến nay, lý thuyết của chúng tôi rằng các phân tử tạo nên sự sống ban đầu trên Trái Đất có nguồn gốc từ không gian vẫn có vẻ khả quan" - TS Maria Cunningham, thành viên nhóm nghiên cứu, kết luận.
Tác giả: Anh Thư
Nguồn tin: Báo Người Lao Động