Giáo dục

Sinh viên Y khoa sẽ phải thi chứng chỉ hành nghề sau khi tốt nghiệp

Chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ đa khoa có thể là yêu cầu bắt buộc để tham gia các hoạt động chuyên môn ở các cơ sở y tế.

Sáng 24/10, hội thảo “Định hướng triển khai và lộ trình phát triển ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi chung tiến tới thi Chứng chỉ hành nghề cho Bác sĩ đa khoa (BSĐK)” đã diễn ra với sự tham gia của Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, đại diện các cơ sở giáo dục đào tạo ngành y và các bệnh viện lớn trên toàn quốc.

Hội thảo đã đưa ra các vấn đề cần thảo luận để tiến tới thực hiện kỳ thi tốt nghiệp quốc gia cho BSĐK trong tương lai: mục đích của kỳ thi, đối tượng tham gia, cấu trúc đề thi, nội dung đề thi, kế hoạch xây dựng ngân hàng câu hỏi, ban soạn thảo đề thi… Các đại biểu tham dự hội thảo được chia thành 4 nhóm để thảo luận, đưa ra câu trả lời cho những vấn đề cụ thể. Có nhiều vấn đề nhận được sự nhất trí cao của các thành viên, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục được bàn thảo trong những hội thảo tiếp theo.

Mở đầu hội thảo, đại diện tới từ Viện Chiến lược và chính sách Y tế - Bộ Y tế đã trình bày tổng quan về thi chứng chỉ hành nghề ở các quốc gia trên thế giới. Khách mời là GS. Gordon Strewler (ĐH California, Mỹ) cũng trình bày lộ trình xây dựng một kỳ thi quốc gia dành cho BSĐK. Lộ trình tóm lược mà ông đưa ra như sau:

1 a3
Sửa Luật, yêu cầu Chứng chỉ hành nghề

Phần thảo luận của nhóm 1 - gồm các cơ quan tham gia xây dựng chính sách – nhất trí đưa ra 3 mục đích của kỳ thi quốc gia: đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, xác định chuẩn năng lực nghề nghiệp tối thiểu của cán bộ y tế khi tham gia hệ thống y tế.

Tuy nhiên, nhóm này đề xuất thay đổi đối tượng tham gia kỳ thi: không phải chỉ dành cho BSĐK, mà dành cho đối tượng nhân viên y tế nói chung, gồm: bác sĩ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh…

Nhóm 1 cũng thống nhất ý kiến, kỳ thi quốc gia sẽ là kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ hành nghề này sẽ được yêu cầu cho các hoạt động chuyên môn. Hiện nay, quy định về chứng chỉ hành nghề do Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định. Cho nên, đại diện của nhóm đề nghị sắp tới phải khẩn trương sửa Luật khám bệnh, chữa bệnh để việc thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề được quy định trong Luật.

2 a1
Hội thảo diễn ra với sự tham gia của đại diện các Bộ, Cục, các trường đại học và bệnh viện lớn trên cả nước

Chủ đề thảo luận của nhóm 2 được đặt ra cho đại diện các Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y dược TP.HCM, khoa Dược ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Y dược Thái Nguyên, Bệnh viện Chợ Rẫy và một số trường cao đẳng y tế.

Đa số thành viên nhóm này đồng ý kỳ thi sẽ được tổ chức cho các sinh viên đã hoàn thành 6 năm y khoa, trước khi bước vào 18 tháng thực hành. Đại diện nhóm đưa ra lý do cho quyết định này: “Thi sau tốt nghiệp sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, phù hợp với xu hướng chung và định hướng 6 +3 (6 năm đa khoa + 3 năm chuyên khoa) sắp tới của chúng ta”.

Nhóm này cũng cho rằng, nếu kỳ thi được làm tốt sẽ là cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường. Dựa vào đó, các trường cũng điều chỉnh chương trình đào tạo, đánh giá sinh viên để phù hợp với kỳ thi. Ngoài ra, nhóm không đề nghị thi cấp chứng chỉ lại cho các bác sĩ đang hành nghề.

Một thành viên trong nhóm cũng khẳng định, cần làm rõ để tránh nhầm lẫn vấn đề sau: Đây là kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề dành cho sinh viên đã tốt nghiệp, có thể trước hoặc sau 18 tháng thực hành nhưng chưa học 3 năm chuyên khoa, nên đây có thể coi là chứng chỉ hành nghề tạm thời, được phép thực hành trên người bệnh, chứ chưa thể là chứng chỉ hành nghề mãi mãi ở một lĩnh vực chuyên khoa. Theo ông, sinh viên tốt nghiệp 6 năm y khoa “mới chỉ học kiến thức cơ bản, kể cả sau 18 tháng thực hành cũng mới chỉ là cơ bản. Nếu chứng chỉ hành nghề này là mãi mãi sẽ đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới”.

Góp ý về vấn đề này, một đại biểu đề nghị đại diện các trường và bệnh viện hết sức lưu ý việc tập trung vào chứng chỉ hành nghề chuyên khoa. Đại biểu này cho rằng, mặc dù đồng ý với mô hình 6+3 cung cấp bác sĩ chuyên khoa cho hệ thống cơ sở y tế trung ương, song ông rất e ngại về việc hệ thống y tế cơ sở (tuyến xã, huyện, tỉnh) sẽ không có đủ nhân lực nếu thống nhất rằng sau khi hoàn thành 6 năm y khoa hay sau 18 tháng thực hành mà vẫn chưa đủ để hành nghề.

Trắc nghiệm lý thuyết, thực hành ở trung tâm

3 a2
Mỗi nhóm thảo luận về những vấn đề khác nhau để tiến tới thực hiện kỳ thi quốc gi cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ đa khoa

Về nội dung kỳ thi, các thành viên nhóm 3 đề xuất 3 môn chính: kiến thức cơ sở, y tế công cộng, thực hành lâm sàng. Trong đó, thực hành lâm sàng sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất và các chuyên môn trước mắt là: nội, ngoại, sản, nhi… cộng thêm các chuyên khoa khác.

Về cấu trúc đề thi, đối với phần thi lý thuyết sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Nếu có điều kiện, sau này sẽ tổ chức thi online. Ở phần thực hành, các đại biểu đề xuất thi tại các trung tâm do Bộ Y tế giao. Cả nước phải có ít nhất 3-5 trung tâm, đảm bảo điều kiện thi tương đối giống nhau.

Các trường Y sẽ không trực tiếp tổ chức thi, mà Bộ Y tế sẽ giao cho các trung tâm tổ chức thi. Các trường chỉ được mời tham gia một phần nào đó.

Về các thành viên của Ủy ban đề thi (soạn thảo câu hỏi), các đại biểu nhóm 4 cho rằng nên lựa chọn thành viên bao gồm cả các bộ phận quản lý và bộ phận chuyên môn. Bộ phận quản lý gồm các Bộ, Cục liên quan. Thành viên chuyên môn là các chuyên gia tới từ các trường đào tạo, các bệnh viện lớn.

Nhóm này cũng đề xuất có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực khảo thí, kiểm định chất lượng để đánh giá về độ khó dễ của đề thi, tính giá trị…

100% đại diện các trường cũng thống nhất sẽ xây dựng bộ câu hỏi hoàn toàn mới, chứ không dựa trên đề thi của các trường đào tạo y khoa. Tuy nhiên, Ủy ban đề thi nên tham khảo bộ câu hỏi của các trường và các trường nên đề xuất bộ câu hỏi cho ban đề thi tham khảo. Ngoài ra, Ủy ban cũng nên tham khảo bộ đề thi của các nước trên thế giới để bắt kịp xu hướng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP