Sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing tham quan, thực tế cơ sở vật chất và dịch vụ của khách sạn - Ảnh: UFM |
Phải đóng 100% chi phí nếu tự hủy chuyến
Sinh viên khóa 18 khoa du lịch Trường ĐH Tài chính - marketing học chương trình đào tạo đặc thù cho hay ngày 13-4, nhà trường ra thông báo về việc tổ chức thực hành nghề nghiệp 2 tại Vũng Tàu cho sinh viên khóa 18D học kỳ 1 năm 2022.
Theo đó, nhà trường sẽ tổ chức 2 đợt thực hành nghề nghiệp 2 dành cho toàn bộ sinh viên khóa 18D bậc đại học chính quy chương trình đặc thù tại một khách sạn 5 sao ở Vũng Tàu: đợt 1 chuyên ngành quản trị khách sạn (từ ngày 24 đến 27-4) và đợt 2 chuyên ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (từ ngày 27-4 đến 29-4).
Theo thông báo này, chi phí thực hành nghề nghiệp 3.950.000 đồng/sinh viên. "Nhà trường hỗ trợ toàn bộ chi phí chuyến đi". Đồng thời, trường yêu cầu sinh viên đăng ký tham gia (từ ngày 15-4 đến hết ngày 18-4, quá thời gian này trường không giải quyết mọi ý kiến liên quan việc đăng ký tham gia thực hành nghề nghiệp 2).
Đến ngày 19-4, nhà trường tiếp tục ra thông báo việc tổ chức thực hành nghề nghiệp 2 tại Vũng Tàu cho sinh viên khóa 19D. Khoa du lịch sẽ kết hợp tổ chức thực hành nghề nghiệp 2 cho khóa 18D chương trình đặc thù. Vì quy mô tiếp nhận sinh viên thực hành của khách sạn có giới hạn nên trường ưu tiên cho những sinh viên khóa 19D đăng ký sớm nhất (60 sinh viên) cùng đi trải nghiệm tại tập đoàn khách sạn 5 sao ở Vũng Tàu từ ngày 25-4 đến 27-4. Sinh viên đăng ký từ ngày 19-4 đến 12h ngày 21-4.
Đáng chú ý, cả hai thông báo đều nêu rõ: "Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, nếu sinh viên hủy chuyến đi trước thời gian đoàn khởi hành 7 ngày, sinh viên phải đóng 100% chi phí thực hành nghề nghiệp (3.950.000 đồng). Ngoại trừ trường hợp sinh viên nhiễm COVID-19, nhà trường sẽ làm thủ tục hủy chuyến đi của sinh viên với đơn vị tổ chức sau khi sinh viên cung cấp đầy đủ giấy tờ xác nhận dương tính có dấu mộc của cơ quan y tế".
"Chi phí sinh viên đã đóng, sao trường đòi phạt?"
Bạn P.D bức xúc: "Sinh viên chương trình đặc thù đóng tiền học phí, trong đó có cả chi phí đi thực tế nên việc trường nói ‘Nhà trường hỗ trợ toàn bộ chi phí chuyến đi’ là không đúng. Điều vô lý hơn nữa là trường còn quy định sinh viên đăng ký mà không đi thì bắt trả tiền cho khoa. Nếu sinh viên đã đăng ký mà không đi thì chắc chắn phải có lý do và hơn nữa ai không đi thì mất quyền lợi, không được trải nghiệm thực tế thôi chứ tại sao trường lại còn bắt phạt sinh viên?".
Nhiều sinh viên khóa 18D còn cho rằng sự thật là mức học phí họ đóng cho chương trình đặc thù là "không tự nguyện từ lúc bắt đầu và một sự thật là chương trình giảng dạy không xứng đáng với mức học phí sinh viên đã trả cho trường".
"So với những gì sinh viên khóa 18 bỏ ra thì số tiền đi tour mà khoa mang cái mác ‘hỗ trợ 100%’ đấy chả là nghĩa lý gì. Với mức học phí đã nộp cho trường, lẽ ra chúng tôi xứng đáng nhận thêm nhiều tour hơn thế nữa" - một sinh viên thẳng thắn.
Bạn B.B cũng cho rằng chi phí của phần thực tế, thực hành là tiền của sinh viên đã đóng nằm trong học phí, không phải "mắc nợ hay được ai hỗ trợ hết". Bởi thế tại sao lại có vụ hủy trước 7 ngày đi phải đóng bù lại số tiền 3,95 triệu đồng chi phí thực hành nghề nghiệp?
"Nếu đã làm tour xin hãy làm một cách tự nguyện và tôn trọng sinh viên. Mang mác là sinh viên khoa du lịch nhưng chưa từng đặt chân vào khách sạn hay nhà hàng 5 sao, đó là hệ quả của chương trình đào tạo chắp vá chưa hoàn thiện. Nếu đã vậy, khoa cũng nên trả tiền lại cho những sinh viên không tham gia được các chuyến thực tế đã cam kết từ đầu" - sinh viên này nói.
Trường thu hồi, điều chỉnh nội dung thông báo Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 20-4, TS Lê Trung Đạo - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing - cho biết cùng ngày trường đã ra thông báo mới để thu hồi và điều chỉnh một số nội dung chưa phù hợp của hai thông báo trên. "Sau khi xem xét lại trường quyết định thu hồi thông báo và dừng việc tổ chức cho sinh viên khóa 19D đi thực hành nghề nghiệp tại Vũng Tàu. Còn việc tổ chức chuyến thực hành nghề nghiệp cho sinh viên khóa 18D vẫn thực hiện bình thường" - ông Đạo khẳng định. Đồng thời, ông Đạo cho biết thêm do khoa du lịch sợ sinh viên đăng ký xong nhưng không đi nên mới đưa vô thông báo sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, nếu sinh viên hủy chuyến đi thì phải đền tiền. "Tuy nhiên chúng tôi thấy nội dung này không phù hợp nên yêu cầu khoa du lịch hủy bỏ nội dung này trong thông báo", ông Đạo nói. |
Tác giả: TRẦN HUỲNH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ