Giáo dục

Sinh viên Myanmar sang Việt Nam học cao đẳng

Nhiều sinh viên Myanmar đang sang Việt Nam học cao đẳng. Các bạn không phải thuộc diện giao lưu quốc tế, không tham gia học kỳ trao đổi hay học các khóa ngắn hạn.

Nhóm 25 sinh viên Myanmar đầu tiên đến học tại Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Thực tế này đang diễn ra tại Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn với lớp cao đẳng chính quy đầu tiên hoàn toàn cho sinh viên quốc tế. Tại đây, 25 sinh viên Myanmar đang theo học ngành ngôn ngữ Nhật.

Sinh viên Myanmar đến Việt Nam học tiếng Nhật, có lạ?

Trong chương trình này, các sinh viên Myanmar sẽ phải học chương trình chính quy trong 2,5 năm, trong đó có 2 năm học tại trường và 6 tháng được thực tập có lương tại các doanh nghiệp Nhật. Sau đó, các bạn sẽ về lại Việt Nam để hoàn tất thủ tục tốt nghiệp trước khi sang Nhật làm việc với các công ty có kết nối với trường theo diện visa kỹ sư.

Nam sinh Min Khant Ko (25 tuổi) là một trong 25 sinh viên quốc tế. Min cho biết bạn từng tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Nghiên cứu máy tính Yagon (University of Computer Studies, Yangon) ở Myanmar.

Học xong, Min không xin được công việc phù hợp trong nước, một phần vì tình hình kinh tế - xã hội tại Myanmar hiện còn nhiều khó khăn. Vậy là Min chọn học tiếp ở một trung tâm Nhật ngữ tại địa phương để chờ đợi cơ hội.

Đầu năm 2024, Trường cao đẳng Bách khoa TP.HCM triển khai chương trình kết hợp tuyển sinh sinh viên quốc tế đến trường học hệ cao đẳng chính quy. Nhóm sinh viên đầu tiên bắt đầu vào học từ tháng 7-2024, học ngành ngôn ngữ Nhật.

"Mục tiêu của tôi là đến Nhật thực tập và làm việc. Ở Myanmar, chúng tôi ít được tiếp cận những chương trình như vậy. Chúng tôi xem thời gian học tại Việt Nam như một bước đệm để có thể sang Nhật", Min nói.

Đến Nhật làm việc để có thu nhập tốt hơn và nhiều cơ hội hơn cũng là định hướng của nữ sinh Htet Hanny Zaw (27 tuổi). Htet có bằng cử nhân chuyên ngành hóa sinh tại Đại học Dagon (Myanmar).

Htet cho biết bạn có học tiếng Nhật tại Myanmar, trình độ N4. Sang Việt Nam, bạn nhắm đến nâng cao trình độ tiếng Nhật lên N2 trước khi sang Nhật thực tập và làm việc. Htet nói: "Tôi dự định sẽ làm việc trong ngành nhà hàng khách sạn tại Nhật. Tiếng Nhật thành thạo sẽ là lợi thế cho tôi".

Đi tìm cơ hội

Nam sinh Wathone Aung (26 tuổi) - đã tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Maubin (Myanmar) - đang cảm thấy khá thoải mái sau một tháng đầu học tập tại TP.HCM. Trong học kỳ đầu tiên, các bạn học từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần.

Wathone kể có 2 ngày các bạn học tiếng Nhật, 1 ngày học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh. Các bạn sẽ phải học ngoại ngữ 2 là tiếng Việt cùng một ngày học về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

"Môn tiếng Việt khó nhất nhưng cũng vô cùng thú vị với tôi. Phần phát âm tiếng Việt khá khó. Chúng tôi chưa phân biệt được các âm điệu khác nhau trong tiếng Việt", Wathone nói.

Còn với Min Khant Ko, bạn thường dành những ngày thứ bảy và chủ nhật để học thêm tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt. Min cho rằng vì học ba ngôn ngữ, nếu không cố gắng và tập trung tối đa bạn sẽ không thể thành thạo. Theo Min, tiếng Nhật là để làm việc tại Nhật sau này, tiếng Anh là để kết nối ở phạm vi rộng hơn còn tiếng Việt là để sinh hoạt tại Việt Nam.

"Mỗi ngôn ngữ là một cơ hội, tất nhiên với cả tiếng Việt. Ngoài tìm kiếm cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật tôi hoàn toàn có thể nghĩ đến việc kiếm việc làm ở Việt Nam. Cơ hội tại Việt Nam nhiều hơn ở Myanmar", Min nói.

Giao lưu văn hóa tại trường

ThS Nguyễn Đức Dũng - trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và hợp tác quốc tế Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn - cho biết tùy từng nhóm sinh viên quốc tế, các em sẽ theo học các chuyên ngành khác nhau. Nhóm sinh viên đầu tiên học ngành ngôn ngữ Nhật, các nhóm sinh viên quốc tế tiếp theo có thể học các ngành về kỹ thuật, logistics…

Bên cạnh các nhóm sinh viên chính quy, trường sẽ tiếp nhận một số nhóm sinh viên trao đổi, sắp tới là một nhóm từ Thái Lan.

Nhà trường kết nối trực tiếp với doanh nghiệp

TS Hoàng Văn Phúc - hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn - cho biết trước đây trường từng có một số sinh viên quốc tế đến học hệ chính quy. Các em này biết tiếng Việt khá tốt, chẳng hạn các em từ Campuchia, nên có thể học cùng lớp với các sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên trường hợp nhóm sinh viên Myanmar là lần đầu tiên trường đón cùng lúc đông sinh viên quốc tế, chưa biết tiếng Việt và phải được bố trí một lớp riêng.

Theo TS Hoàng Văn Phúc, một trong những mấu chốt trong mối hợp tác nằm ở các doanh nghiệp đối tác Nhật - những đơn vị trực tiếp nhận sinh viên đến thực tập và làm việc. Nhiều năm qua, trường kết hợp trực tiếp với các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật trực thuộc các hiệp hội của Nhật mà không thông qua bên thứ ba. Do vậy việc thương thảo cho sinh viên quốc tế của trường đến Nhật thực tập không khó.

"Bản thân các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật cũng có nhu cầu nguồn lao động. Họ không yêu cầu gì thêm ở các sinh viên Myanmar ngoài việc đảm bảo chất lượng kiến thức, kỹ năng và hồ sơ rõ ràng", ông Phúc nói.

Tác giả: TRỌNG NHÂN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP