Thế giới

'Siêu bão' Brexit sẽ hủy diệt EU?

Với những ai biết đến sức tàn phá của các cơn cuồng phong như ở Philippines hay miền nam nước Mỹ thì chắc hẳn sẽ phải thừa nhận những hệ lụy kinh tế, chính trị và xã hội của cuộc trưng cầu dân ý Rời khỏi EU (Brexit) ở Anh hồi tuần trước.

Ảnh hưởng của trận "siêu bão hiến pháp" này là rất sâu rộng, khó xác định và ở một số lĩnh vực là không thể khắc phục được, theo báo The Observer. Nó càn quét chính phủ của Anh - gồm các lãnh đạo của hai đảng lớn, David Cameron và Jeremy Corbyn, và cả thể chế ở Brussels.

Tầm ảnh hưởng còn vươn xa hơn nữa, chạm đến cả Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp lớn, các định chế tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Không ít các chuyên gia kinh tế cũng "bị thổi bay" không thương tiếc.

EU đang đứng trước một tương lai nguy hiểm hậu Brexit. (Ảnh: FT)


Báo Guardian nhận định, chiến dịch trưng cầu đã chứng tỏ Anh là một đất nước bị phân rẽ sâu sắc, chia tách theo thu nhập, độ tuổi, giáo dục, quốc gia và địa lý. Còn tờ Financial Times bình luận, kết quả trưng cầu dân ý Brexit đã ném sự nghi hoặc lớn vào sự tồn tại EU.

Bất ổn và bất an hiện đang là "từ cửa miệng" của nhiều người khi nói về tương lai của liên minh hiện chỉ còn 27 thành viên này. Bởi, lần đầu tiên kể từ khi có Hiệp ước Rome thành lập EU năm 1957, một thành viên "dứt áo ra đi".

Ở Tây Ban Nha đang dấy lên nỗi lo rằng một cú huých đòi độc lập ở Scotland sẽ truyền cảm hứng và sức mạnh cho những người li khai trong vùng Catalonia.

David Cameron chắc chắn phải chịu "một mớ" trách nhiệm. Tuy dẫn dắt Anh đạt tới nhiều thành tựu nhưng ông chưa bao giờ là một con người của tiểu tiết. Ông đã may mắn chiến thắng 2 cuộc tổng tuyển cử, thoát được cuộc trưng cầu dân ý độc lập của Scotland năm 2014.

Lo lắng trước sự vươn dậy của Đảng Độc lập Anh (UKIP) và chịu sự thúc ép của các thành viên Công đảng năm 2013, ông cam kết tổ chức trưng cầu dân ý mà không suy nghĩ thấu đáo về hậu quả. Và vào ngày 23/6, vận đỏ của Cameron đã hết.

Khuôn mặt buồn của Cameron sẽ được nhớ đến như vị Thủ tướng khiến Anh đoạn tuyệt với châu Âu. Ông có thể sẽ đi vào lịch sử như người khơi ra cuộc "li dị" có một không hai này.

Trong tuần, các lãnh đạo EU sẽ tổ chức một hội nghị, lần đầu tiên không có lãnh đạo Anh. Một loạt động thái đã được thực hiện để di chuyển các trung tâm dịch vụ tài chính châu Âu rời khỏi London, để tới Frankfurt hoặc Paris. Người Pháp đã sẵn sàng cho cho một trận đấu quyết liệt về các điều khoản chia tách.

Với EU, tương lai của khối cũng trở nên bất ổn và khó đoán. Một số lãnh đạo lo ngại xảy ra hiệu ứng Domino và tán thành đàm phán Brexit thật khắt khe để ngăn chặn xu hướng này.

Nhiều quan chức đã lên tiếng tuyên bố EU sẽ đúc rút bài bài học từ cuộc bỏ phiếu ở Anh. Họ cam kết sẽ giải quyết thâm hụt dân chủ và làm cho châu Âu hoạt động hiệu quả hơn, tốt hơn cho người dân trong khối.

Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy sẽ có một lực đẩy mạnh làm thay đổi cách thức liên minh này vận hành. Điều này phải thay đổi. Nếu EU không thể tự cải cách từ nền tảng thì những người dân tộc chủ nghĩa và theo xu hướng bài ngoại sẽ tận dụng triệt để cơ hội.

Rõ ràng, EU đang trượt vào nguy hiểm. Sự sụp đổ và hỗn loạn nếu xảy ra sẽ là hậu quả hủy diệt nhất của siêu bão Brexit.

Tác giả bài viết: Thanh Hảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP