Shipper phấn khởi: "Vất vả chút xíu mới sống được"
Từ 12h trưa hôm nay 18/8, ứng dụng Be sẽ mở lại dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ bằng xe 2 bánh tại TPHCM, áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu. Trường hợp khách đặt dịch vụ giao hàng, đi chợ hộ nhưng không phải hàng thiết yếu, tài xế có thể từ chối, hủy đơn.
Trước đó, ứng dụng này đã tạm dừng tất cả dịch vụ tại TPHCM từ ngày 27/7.
Be mở lại một số dịch vụ sau khi TPHCM cho phép shipper có quản lý qua ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP Thủ Đức từ ngày 16/8. Trước đó, shipper tại TPHCM chỉ được di chuyển trong một quận, huyện và chỉ được giao hàng sang địa bàn khác nếu giao đến các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ứng dụng Be mở lại dịch vụ giao hàng, đi chợ hộ từ 12h trưa ngày 18/8 (Ảnh: Linh Nguyễn). |
Các ứng dụng khác như Grab, Gojek, Baemin cũng đã cho phép người dùng đặt dịch vụ giao hàng thiết yếu, đi chợ hộ liên quận, huyện, TP Thủ Đức trong TPHCM trong khung giờ 6h-17h hàng ngày từ ngày 16/8 sau thông báo của UBND TPHCM. Các ứng dụng cũng cho biết đều đảm bảo tài xế chuẩn bị đầy đủ đặc điểm nhận diện theo yêu cầu của thành phố như thẻ đeo, băng tay, mã QR.
Đại diện Gojek cho rằng quy định mới phù hợp với nguyện vọng của rất nhiều người dùng trong bối cảnh người dân hạn chế đi lại, dẫn đến nhu cầu đối với dịch vụ vận chuyển thực phẩm và hàng hóa thiết yếu liên quận tăng cao. Hiện hãng này có gần 8.000 tài xế đăng ký với Sở Công Thương để được cấp phép hoạt động hàng ngày.
Nhiều tài xế cũng phấn khởi với quy định mới khi có cơ hội nhận thêm đơn hàng, tăng thu nhập. Anh Trần Thành Chí - shipper của Grab, cho biết trong ngày 16/8, một số chốt giữa các quận vẫn chưa cho phép anh di chuyển qua lại nhưng từ hôm qua 17/8, việc giao hàng liên quận đã dễ dàng hơn nhiều.
Hai tuần trước đó, anh chỉ có thể nhận đơn hàng trong quận Bình Thạnh gần nhà nhưng từ đầu tuần này đã có thêm nhiều đơn hàng ở các quận lân cận. Dù việc giao liên quận mất nhiều thời gian hơn khi phải đi qua nhiều chốt kiểm soát, anh Chí vẫn vui vẻ: "Vất vả chút xíu mới sống được, đâu phải cái gì cũng dễ".
Tài xế công nghệ có thể nhận nhiều đơn hàng hơn sau khi được phép giao hàng thiết yếu liên quận, huyện tại TPHCM (Ảnh: Uyên Mai). |
Cam kết giao sau một ngày, chờ gần 2 tuần mới được nhận hàng
Liên tục trong 2 ngày 16-17/8, Kim Hạnh (quận Phú Nhuận) nhận được nhiều đơn hàng đã đặt trên các trang thương mại điện tử tồn đọng trong 2 tuần qua. "Chắc vì shipper được chạy liên quận nên họ ồ ạt giao hàng", Hạnh cho biết.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Biết tin shipper được di chuyển giao hàng liên quận từ 16/8, chị Thanh Dung (quận 7) hy vọng các đơn hàng mà chị đặt từ 2 tuần trước sẽ sớm giao sớm. Tuy nhiên, sau 3 ngày, loạt đơn hàng thực phẩm chị Dung đặt mua vẫn chưa có shipper lấy hàng.
Một đơn hàng mất hơn 2 tuần vẫn chưa giao được (Ảnh: DN). |
"Giữa tháng 7, tôi đặt mua 2 hộp sữa trên Shopee của một cửa hàng ở ngay tại TPHCM nhưng đợi hơn 2 tuần mãi không thấy giao hàng. Gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng để hủy đơn nhưng nhân viên ban đầu cứ hứa hẹn 1-2 ngày sẽ giao ngay rồi sau đó bảo không hủy được, còn nói mình cứ từ chối nhận hàng khi shipper đến. Thế là mình bất đắc dĩ phải "bom" hàng với shipper", chị Dung kể lại.
Gặp trường hợp tương tự, Phạm Tú (quận Bình Thạnh) đặt mua cá thu trên Tiki vào ngày 30/7 với cam kết giao hàng sau một ngày với dự định chế biến bữa ăn ngày cuối tuần, nhưng cuối cùng đến tận ngày 12/8 mới nhận được hàng
"Mình kiểm tra trên ứng dụng thì chỉ có thông báo đang vận chuyển suốt cả tuần, thanh toán online rồi mà cũng không có cách gì hủy được đơn hàng nên đành chịu", Tú ngán ngẩm.
Trao đổi với Dân trí, đại diện một số sàn thương mại điện tử cho hay đã biết quy định mới về việc shipper được di chuyển liên quận, huyện trong TPHCM nhưng không cam kết liệu có thể cải thiện tốc độ giao hàng trong nội thành hay không.
Đại diện Lazada thừa nhận trong thời gian giãn cách xã hội, tiến độ giao hàng có thể bị ảnh hưởng. Toàn bộ đội ngũ nhân viên giao vận được chia ca làm việc tách biệt. Lazada khuyến khích khách hàng đặt hàng từ người bán trong cùng khu vực để việc vận chuyển được thuận tiện, nhanh chóng hơn.
Đại diện Sendo thông tin hiện sàn thương mại điện tử này vẫn chỉ duy trì cam kết giao hàng trong 14 ngày với khách hàng tại TPHCM, riêng những đơn hàng thực phẩm tươi sống có thể được giao nhanh hơn.
Trước đó, vào cuối tháng 7, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã kiến nghị cần có cách quản lý phù hợp hơn với shipper nói riêng và hoạt động giao hàng nói chung.
Mỗi sàn thương mại điện tử có thể có hàng chục nghìn người bán. Tỷ lệ người mua và người bán nằm trên cùng một quận, huyện là không cao, chưa kể với mỗi đơn hàng, shipper có thể có nhiều khách hàng ở những địa điểm khác nhau. Theo VECOM, trong tháng 7, tỷ lệ đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử bị hoàn trả tăng đột biến do người nhận bị cách ly cũng như các biện pháp quản lý chưa phù hợp.
Tác giả: Nhân Cơ
Nguồn tin: Báo Dân trí