Về vụ việc xe Mercedes đâm gãy 10m lan can cầu lao xuống sông Hồng khiến 2 phụ nữ tử vong xảy ra vào đêm 3/11, nhiều lái xe, chuyên gia cho rằng nên phân luồng lại giao thông qua cầu và gia cố lan can cầu Chương Dương.
Là một trong những lái xe lâu năm thường xuyên di chuyển qua cầu Chương Dương, anh Đỗ Văn Nguyên – tài xế taxi ở Hà Nội bức xúc cho biết, vào giờ cao điểm, xe ô tô tải, xe buýt thường xuyên đi lấn gần hết phần đường dành cho xe máy, khiến các phương tiện này bị ép đi sát lan can cầu, rất nguy hiểm.
Theo anh Nguyên, cơ quan chức năng nên gia cố thêm trụ bê tông ở hệ thống lan can, tăng chiều cao của lan can lên khoảng 1m để đảm bảo an toàn.
Theo nhiều người dân, Hà Nội nên phân làn lại giao thông trên cầu Chương Dương để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Sở GTVT nên thiết kế làn đường dành riêng cho xe máy…
Phương tiện xe buýt, ô tô tải lấn át đường đi của xe máy. Ảnh: TN |
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay sau vụ tai nạn xảy ra, Sở đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát, hệ thống biển báo, hệ thống lan can, vạch kẻ đường… nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua cầu.
Sở GTVT sẽ phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tổ chức lại giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế. Trước ý kiến nên gia cố thêm trụ bê tông hệ thống lan can, thời gian tới Sở GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, trường hợp cần thiết sẽ thay đổi cho phù hợp.
Trước đó, vào khoảng 19h40 ngày 3/11, chiếc ô tô 5 chỗ màu đen hiệu Mercedes di chuyển trên cầu Chương Dương hướng từ quận Long Biên về trung tâm Hà Nội. Khi đến nhịp số 19 cầu Chương Dương, chiếc xe mất lái, đâm văng lan can cầu và lao xuống sông Hồng.
Rạng sáng 4/11, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe Mercedes biển số 30E-868.36 ở dưới sông Hồng cách vị trí bị rơi khoảng 1km. Bên trong xe có 2 phụ nữ đã tử vong là chị Nguyễn Thị Thu Hương (ở Hà Đông, Hà Nội) – chủ đăng ký xe Mercedes và chị Bùi Kim Chi (21 tuổi, ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội).
Cầu Chương Dương được khai thác từ năm 1985, với thiết kế 4 làn xe. Hai làn ô tô trong cùng rộng 7m, cho xe chạy hai chiều. Hai làn bên ngoài dành cho xe máy, mỗi làn rộng 3,5m. Từ năm 2003, Hà Nội tiếp nhận quản lý cầu từ Bộ Giao thông Vận tải và bắt đầu cho ô tô đi vào làn xe máy nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài. Mỗi đầu cầu có biển báo cấm xe đạp, người đi bộ và hạn chế taxi vào giờ cao điểm. Làn dành cho xe máy có biển cấm xe tải, xe khách, xe 9 chỗ trở xuống hoạt động. |
Tác giả: T. Nam – H. Duyên
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội