Trong tỉnh

Sâu róm tấn công rừng phòng hộ ở Nghệ An, nguy cơ thành dịch

Khoảng 1 tháng nay, rừng phòng hộ Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bị sâu róm tấn công và đang có nguy cơ trở thành dịch.

Sâu róm tấn công rừng phòng hộ Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

Theo cán bộ bảo vệ rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc, sâu róm phát triển và lây lan nhanh. Hiện nay đang tồn tại sâu non thế hệ III/2024. Riêng khu vực phía Đông tính từ Quốc lộ 1A xuống các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Xá, sâu non sinh trưởng, phát triển mạnh.

Cụ thể, đã có đến 300 ha diện tích rừng thông bị nhiễm nặng mật độ 350 – 400 con/cây, hiện nay đã bị cắn phá gây xơ, trụi tán lá. Ngoài ra, còn có 450 ha diện tích rừng bị nhiễm nhẹ hơn, với trung bình mật độ sâu 150 – 200 con/cây.

Còn tại khu vực lâm phần rừng thông các xã Nghi Đồng, Nghi Hưng, mật độ sâu 20-30con/cây, phân bố cục bộ theo vùng, không đồng đều.

Ông Trần Văn Trường – Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc cho biết, từ đầu năm đến nay, điều kiện thời tiết ấm hơn trung bình nhiều năm nên thuận lợi cho một số loài sâu bệnh phát triển, đặc biệt là sâu róm thông.

Sâu róm thông sinh trưởng phức tạp, nguy cơ phát triển thành dịch nên đơn vị đã tập trung nguồn nhân lực, tài chính để phun phòng, phun trừ.

Sâu róm đang sinh trưởng phức tạp và lan rộng khó xác định mật độ

Tuy nhiên, công tác điều tra, dự báo sự phát triển của các lứa sâu gặp rất nhiều khó khăn vì diện tích rừng lớn, rừng thông cấp tuổi V-VI chiếm diện tích lớn, cây có chiều cao bình quân từ 20 – 25 m, nên việc xác định mật độ sâu khó chính xác.

Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã phun thuốc thuốc diệt sâu trên diện tích hơn 150 hecta. Cùng với việc phun thuốc trừ sâu, những ngày gần đây, Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc còn triển khai giải pháp bẫy sâu róm bằng đèn.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, quy luật một năm tồn tại 4 thế hệ sâu róm, hiện sâu cắn phá ở thế hệ thứ 3, đang tập trung làm kén. Giữa tháng 8, sâu chuẩn bị kết thúc lứa, khả năng phát triển thêm không đáng kể.

Hiện công tác phun thuốc diệt trừ sâu vẫn là giải pháp ưu tiên đầu tiên, được các cán bộ Ban quản lý rừng tổ chức thực hiện mỗi ngày. Dự kiến cuối tháng 8 sẽ diệt trừ hết sâu.

Tác giả: Q.H

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP