Học sinh trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 tại TP.HCM năm 2020 - Ảnh: TRỌNG NHÂN |
Như nhiều bạn bè khác, N. - học sinh lớp 9 Trường THCS Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức) - đang trong giai đoạn nước rút ôn luyện. Lịch học của N. dày đặc, ngoài học chính khóa trên trường, N. được phụ huynh đưa tới ôn luyện thêm ở một trung tâm bồi dưỡng văn hóa và một trung tâm tiếng Anh.
Thấy con sợ môn văn và toán, mẹ của N. cho con học tăng cường trong một nhóm nhỏ ở nhà riêng của hai thầy cô. Gần như ngày nào N. cũng có lịch học đến tầm 21h mới tan ca.
"Nếu hỏi có áp lực hay không thì chắc chắn là có. Nhưng biết sao được, để vô được trường cấp ba "ngon" thì phải cố gắng. Đôi khi mình tự nhủ còn mấy ngày nữa qua kỳ thi rồi mình sẽ "xả" sau" - N. nói.
Trong khi đó, T. - học sinh Trường THPT Vĩnh Kim (Tiền Giang) - cũng đang căng thẳng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến. Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, T. cho biết một buổi chiều tối đôi khi bạn phải học thêm đến 3 ca, từ khoảng 16h30 đến hơn 21h.
Chọn bài thi khoa học tự nhiên, đặt nguyện vọng xét tuyển vào các ngành công nghệ nên hiện T. đang chăm chút cho các môn toán, lý, hóa và tiếng Anh để có thể xét 2 tổ hợp A và A1.
T. chia sẻ: "Mình không thi đánh giá năng lực, điểm học bạ của mình chỉ đậu được một số đại học tư nên có điểm tốt nghiệp ổn ổn mới vào được đại học công".
"Mình thấy cả 12 năm trời mới có một lần thi tốt nghiệp nên đầu tư học thêm nhiều chỗ một chút cũng không sao. Mình định đăng ký thêm một vài khóa online của một số thầy nổi tiếng trên mạng vì nghe "đồn" ôn hay trúng", T. chia sẻ thêm.
Học nhiều chỗ một môn ít tác dụng
Học sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM năm 2019 |
Theo thầy Võ Kim Bảo - giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), việc học 2-3 trung tâm một môn rất mất thời gian. Tuy nhiên, một số phụ huynh muốn cho con tăng cường như vậy để an tâm.
Bản thân thầy Bảo cũng gặp một vài phụ huynh bày tỏ xin cho con được vô các lớp của thầy nghe giảng, muốn con có thể nghe đi nghe lại hai ba lần một bài giảng.
Thầy Bảo cho rằng thời điểm trước kỳ thi khoảng độ một tháng này học sinh nên dùng để tự luyện đề, qua đó để phát hiện mình đang dở, đang yếu những chỗ nào, từ đó sẽ tranh thủ quỹ thời gian còn lại để học sâu hơn những điểm yếu đó.
Riêng môn ngữ văn, các kỹ năng làm bài đôi khi quan trọng hơn nhiều so với những kiến thức thuộc lòng. Học sinh có thể luyện cách xử lý các câu hỏi, phân bố quỹ thời gian, biết cách chắt lọc, sắp xếp ý tứ đưa vào bài… "Đôi khi 6/10 điểm trong bài thi văn đã là do kỹ năng", thầy Bảo nói.
Do vậy theo thầy, việc luyện đề các kỹ năng không nhất thiết phải đến nhiều trung tâm một lúc. Học sinh có thể tự làm bài ở nhà và mang đến lớp nhờ các giáo viên chỉnh sửa. Hiện tại, các giáo viên đều tập trung cho học sinh lớp 9 nên luôn sẵn sàng xem, góp ý nhiệt tình bài làm của các em.
Trong khi đó, thầy Phùng Quang Huy - giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Khoa học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng một môn học nhưng học thêm ở nhiều chỗ sẽ hơi thừa, không có nhiều tác dụng.
Nhất là với môn tiếng Anh, các bài thi thường xoay quanh những câu hỏi liên quan đến từ vựng và ngữ pháp. Thông thường, ngữ pháp được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản, trong khi từ vựng lại đòi hỏi sự tự học, tự tìm tòi ở mỗi học sinh.
Vì thế thay vì "chạy show" đến các trung tâm, thầy Huy cho rằng học sinh nên dành nhiều thời gian hơn cho việc nắm chắc những kiến thức nền tảng cũng như những dạng câu hỏi trong đề thi. Có thể lưu ý thêm một số câu hỏi thường ra trong các đề trước đây hay những câu đặc biệt.
"Quan trọng nhất vẫn là tinh thần thoải mái, có thời gian để đầu óc thư giãn giúp cho phong độ vào ngày thi thật tốt. Mệt mỏi hay thiếu ngủ rất khó để có kết quả như ý", thầy Huy nói.
Tác giả: Trọng Nhân
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ