Xã hội

Sao nông dân miền Trung khổ thế, thưa Thủ tướng?

Thủ tướng quán triệt: Nơi nào để xảy ra việc lạm thu của nhân dân thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải được kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc...

Vụ "còng lưng gánh quỹ" ở Nghệ An: Bí thư Tỉnh ủy lên tiếng
Vụ "còng lưng gánh quỹ" ở Nghệ An: Xã sắp có sổ theo dõi mới
Khốn khổ khi người mù, tàn tật, cụ già 80 vẫn còng lưng gánh quỹ
Sau Thanh Hoá, dân nghèo Nghệ An oằn mình "cõng" loạt quỹ khủng!
Trẻ lên 3 đã phải đóng tiền trả nợ nông thôn mới
Nghệ An: Dân phải “cõng” gần 20 khoản phí


Từ tháng 6 lại nay, các báo Lao động, Tri thức trẻ, Dân trí… phản ánh vấn nạn lạm thu quá kinh hoàng tại Thanh Hóa và Nghệ An. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều lần lượt có văn bản chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa kiểm tra làm rõ vấn đề báo chí nêu.

Văn bản của Chính phủ nêu rõ: Nếu có việc thu các khoản trái quy định thì phải hủy bỏ, trả lại tiền cho nhân dân, đồng thời xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm. (Hiện vụ việc tại Nghi Lộc, Nghệ An chưa có chỉ đạo của Chính phủ vì báo Dân trí mới đăng 2 hôm nay).

Trước đó, ròng rã năm 2015, báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh tình trạng lạm thu của nông dân trên diện rộng ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Loạt bài viết “Gánh nặng quê nghèo” đã nhận được 5 văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và 2 báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Báo cáo của Hà Tĩnh cho thấy vấn đề báo nêu là đúng đắn. Văn bản của Chính phủ yêu cầu Hà Tĩnh hủy bỏ các khoản thu trái quy định, hoàn trả lại tiền cho nhân dân, xử lý, kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đến nay chỉ có 2 cá nhân bị xử lý kỷ luật hình thức Cảnh cáo. Một người sau cảnh cáo được điều lên huyện làm việc. Một người sau cảnh cáo được giới thiệu và bầu trúng vào HĐND xã (bất chấp việc vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND). Đáng nói vấn nạn lạm thu hiện vẫn chưa được chấn chỉnh đến nơi đến chốn?

Thưa Thủ tướng: Phải khẳng định rằng, cấp ủy, chính quyền ở nhiều xã tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã vi phạm pháp luật nhưng không hiểu sao vẫn không được chấn chỉnh và xử lý đến nơi, đến chốn. Rõ ràng, các cán bộ nơi đây đã vi phạm quy định được nêu trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Pháp lệnh phí và lệ phí, Pháp lệnh 34 về thực hiện quy chế dân chủ xã, phường, thị trấn.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi đây đã bất chấp mọi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 24/2007 và 2003/2015. Trong văn bản 2003 ngày 5/11/2015, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân; không huy động đối với hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.

Thủ tướng quán triệt: Nơi nào để xảy ra việc lạm thu của nhân dân thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải được kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc.

Vậy những sai phạm trong lạm thu quá mức xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh diễn ra trong suốt thời gian dài vừa qua thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại các địa phương đó sẽ phải được kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc mức độ nào? Đến lúc nào thì luật pháp và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được các địa phương này thực thi nghiêm minh?

Thưa Thủ tướng, vì sao nông dân miền Trung – nơi chịu quá nhiều tổn thất, mất mát trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như chịu ảnh hưởng nặng nề của các trận thiên tai (cả nhân tai) cuồng phong, vậy mà nông dân nơi ấy vẫn luôn phải gánh chịu cảnh bức ép của quan chức địa phương nặng nề như thế?

Tác giả bài viết: Văn Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP