Trong tỉnh

Quỹ HTND xã Quỳnh Tân: “Bao che” sai phạm đến bao giờ?

Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) xã Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu (Nghệ An) qua hai đời Chủ tịch đã để lại hàng loạt sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không hiểu vì sao một số lãnh đạo địa phương này vẫn thăng chức? Dư luận băn khoăn, sai phạm đã rõ nhưng ai đã bao che để cho cái sai tiếp tục hoành hành?

Hồ sơ phản ánh tài sản bà Hà

Từ bình cũ rượu... hư!

Trước đó, chúng tôi đã có loạt bài phản ánh, Quỹ HTND xã Quỳnh Tân qua hai đời Chủ tịch đã để lại hàng loạt sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy nhưng ông Hồ Minh Mậu thì lên chức còn bà Nguyễn Thị Hà tiếp tục được dự kiến làm Chủ tịch khóa mới?

Ngược dòng thời gian, từ năm 2012 hội viên Lê Hữu Giá đã có đơn kiến nghị 5 vấn đề sai phạm của Quỹ HTND. Lúc này, ông Mậu đã sang làm Chủ tịch UBND xã và bà Hà đã là Chủ tịch Quỹ này được 2 năm. Huyện hội kiểm tra ra kết luận số 15 nêu rõ:

“Các nội dung trong đơn ông Giá hoàn toàn có cơ sở: Hoạt động của BQL chưa đúng thông tư 36 Bộ Tài chính, Quyết định 851 và hướng dẫn 409 của Trung ương hội. Huy động vốn và cho vay có thời điểm cao hơn lãi suất ngân hàng. Cho vay quá hạn mức dẫn đến nợ khó đòi 185.930.000 đồng. Chi sai 231.987.633 đồng. Chi vượt 6.330.888 đồng. Chi vượt quá 50% lương cho Trưởng BQL 7.211.916 đồng. Hàng năm không tổng kết báo cáo Quỹ hội. Không kết sổ tiền vay, tiền gửi. Huy động vay 71 chỉ vàng trái quy định phải bù lỗ 108.630.000 đồng và dùng “Quỹ rũi ro” của Hội bù lỗ 58.062.000 đồng nhưng vẫn âm 50.568.000 đồng.

Điều đáng trách là, giai đoạn này chính bà Phạm Thị Vọng (đang làm Phó Chủ tịch Huyện hội) là Trưởng Đoàn kiểm tra.

Trước một loạt sai phạm nghiêm trọng như vậy nhưng bà Vọng chỉ kiến nghị: “Thu hồi số tiền quỹ rủi ro 58.062.000 đồng. Thu hồi của ông Mậu 6.330.888 đồng, bà Hà 881.028 đồng. BQL nghiêm túc kiểm điểm và chấn chỉnh...”.

Sự xử lý thiếu kiên quyết của bà Vọng đã tạo điều kiện cho bà Hà mắc một loạt sai phạm nghiêm trọng hơn. Cụ thể: tháng 9/2010, bà Hà nhận chức Chủ tịch thì tháng 3/2011 bà lập tức lấy Quỹ rủi ro của Hội bù vào số tiền lỗ do vội vàng mà ông Mậu để lại. Phát hiện số tiền ông Uyên trái quy định trên 1 tỷ và có 7 người đứng tên khống cho ông, bà không báo cấp trên mà tiếp tay để nợ ông Uyên vay lên đến hơn 2 tỷ. Bà không giảm bớt số hộ cho vay quá mức hạn mà còn “phát triển” lên đến 128 hộ (hơn 50% số hộ vay). Thậm chí nhiều hộ vượt quá 10 lần quy định như mô hình bà Hồ Thị Quế xóm 16 vay đến 105.000.000 đồng. Bất chấp TW Hội ra quyết định triệt tiêu Quỹ HTND (Ban hành tháng 11 năm 2011) bà tiếp tục huy động vốn đến tận tháng 9/2017 của 197 hộ dân. Trong danh sách cho vay có hàng chục hộ không có chữ ký của người vay. Nhiều hộ vay quá hạn cũng không có trong danh sách.

Người dân viết đơn tố cáo về những sai phạm nghiêm trọng tại Quỹ HTND Quỳnh Tân

… đến hồ sơ lên tiếng

Trong gần 300 bút lục, văn bản chúng tôi thu thập được cho thấy các số liệu khập khiễng chồng chéo nhau nói lên kiểu lập hồ sơ nhằm khỏa lấp sai phạm, rút ruột Quỹ hội sử dụng vào mục đích cá nhân.

Trường hợp thứ nhất: Chỉ từ tháng 4/2008 đến tháng 7/2009 ông Hồ Bá Uyên được kê đến 35 lần vay với tổng tiền 816.086.000 đồng, trong đó ông chỉ ký 11 lần. Riêng ngày 30/9/2010, BQL lập danh sách khống cho 7 hộ vay 405 triệu. Khi bị 7 hộ này phản ứng, BQL liền giải thích: “Mượn tên san khế cho ông Uyên”. Toàn bộ số tiền vay này đều không có đơn xin vay, phiếu chi, phiếu phát sinh và 7 người kia cũng không ký nhận tiền. Trong quy định phải có 5 chữ ký mới được vay tiền thì nhiều liên chỉ có 1 chữ ký. Tháng 8/2017, khi Quỹ hội sắp bị kiểm tra, ông Uyên được kê số nợ lên đến 2.092.935.000 đồng. Tuy nhiên, ông chỉ nhận 1.561.934.492.000 đồng. Số tiền 431 triệu mà ông Uyên không nhận, BQL“vui vẻ” chia nhau trả thay cho ông?

Vậy nhưng ngược đời thay tiếp ngay sau đó, ngày 15/9/2017, BQL cũ và mới lại thống nhất với nhau: Toàn bộ nợ ông Uyên và số tiền chưa làm rõ được cộng thành 1.978.000 đồng họ cùng hè nhau nhận... trả hết: Ông Mậu 800 triệu, bà Hà 245.135.000 đồng, anh Lực (kế toán cũ) 200 triệu, chị Hằng (thủ Quỹ) 200 triệu, chị Thủy (kế toán) 40 triệu. Thật không thể hiểu nổi vì sao ông Uyên nhận nợ rồi mà giờ các thành viên trong BQL lại “xung phong” trả thay?

Trường hợp thứ 2: Ngày 30/9/2017, bà Hà cho 24 hộ vay với số tiền giải ngân lên đến 1.198.897.000 đồng trong đó có đến... 16 hộ là người nhà các thành viên trong BQL và bà Hà vay 145.000.000 đồng, ông Mậu 400 triệu nhưng được giải thích đây là danh sách nhận nợ cho ông Uyên.

Xin thưa: Nếu nhận nợ thì số tiền vay phải được trừ đi, còn đây là vay đồng nghĩa với số tiền cho vay bị cộng vào tổng và tăng lên. Rõ ràng danh sách này là lập khống nhằm hợp thức hóa số tiền đã thụt quỹ. Tuy nhiên do lúng túng nên tại một văn bản khác họ lại công nhận: “BQL nhận thấy việc giải ngân cho vay mới trong ngày 30/9/2017 là sai từ đó đã tổ chức thu hồi trước hết là động viên người nhà trả vốn”. Còn bà Hà lại giải thích: Đây là số nợ nhận cho... gia đình bên chồng, trong lúc gia đình này cũng bị Bà Hà lập khống 7 thành viên rút đi số tiền 170 triệu đồng. Tương tự, lúc này nợ của anh Lực tự nhận đã lên đến 224.797.000 đồng, nghĩa là lộ ra đến đâu thì BQL chia nhau nhận nợ ngay đến đó vì cứ nhận nợ là... ổn?

Phóng viên ghi nhận sự việc công dân tố không rút được tiền vay

Trong trả lời của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Lưu gửi Tòa soạn Phương Nam Plus vấn đề chưa đúng sự thật, nhưng đến giờ này chúng tôi khẳng định, có ít nhất trên 30 hộ dân bị lập hồ sơ khống ứng với số tiền trên 1 tỷ đồng. Vấn đề này chúng tôi sẽ thông tin ở một bài viết khác.

Trở lại các sai phạm của bà Hà: Năm 2017 vẫn là bà Vọng (chỉ khác lúc này bà là Chủ tịch) đã đưa ra kết luận 02 nêu rõ: “Quỹ HTND xã Quỳnh Tân hoạt động chưa đúng với Thông tư 36 Bộ Tài chính, Quyết định 851 và hướng dẫn 459 của TW Hội nông dân Việt Nam”. Biên bản giám sát của HĐND xã Quỳnh Tân cũng kết luận như trên nhưng có thêm: “Làm trái quy chế hoạt động của Hội nông dân, công văn 26 Huyện hội ngày 18/7/2017, Quyết đinh 908/TW Hội. Chậm thực hiện thông báo kết luận số 04 ngày 1/4/2014 và kết luận kiểm tra của HĐND xã Quỳnh Tân”.

Từ các kết luận kiểm tra cho thấy: Bà Hà luôn luôn đi ngược, làm sai, làm trái, thực hiện chậm tất cả các chủ trương, chính sách, Nghị định, quyết định, công văn và kết luận do cấp trên đưa ra ở tất cả các thời điểm từ khi làm Chủ tịch đến nay (2010 - 2017), sai phạm sau nghiêm trọng hơn sai phạm trước. Huyện hội, BCH Đảng ủy, BCH HND xã Quỳnh Tân nghĩ gì khi chỉ cần một trong những sai phạm trên bà Hà đã không còn đủ tư cách là một ủy viên BCH Đảng ủy xã?

Rõ ràng: Khi lãi suất bên ngoài tăng cao, số Quỹ hội huy động được hoặc vay vàng trái luật đã bị rút ra để vụ lợi và đến nay khi bị “sờ gáy” thì ào ạt lập danh sách khống và xung phong nhận nợ để “bù vào”. Đáng trách hơn, ông Mậu là cán bộ do UBND huyện quản lý, bà Hà là cán bộ “ngành dọc” của Huyện hội nhưng tất cả đều được đẩy về cho Đảng ủy xã. Khi các sai phạm này chưa được xử lý thì Huyện hội chỉ đạo buộc Đại hội trước 30/3 sau đó cho lùi lại 4/4. 11 ủy viên BCH là chi hội trưởng có đến 7 phiếu đề nghị không kỷ luật bà Hà, BCH Đảng ủy cũng bỏ phiếu 50/50. Sự bao che cho nhau thật khủng khiếp! Rất may, nhận được đơn tố cáo của công dân, công an huyện đã vào cuộc, Tỉnh hội Nghệ An đã kịp thời lập Đoàn kiểm tra nếu không chưa biết hậu quả còn đi tới đâu!

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vì sao sai phạm nghiêm trọng như vậy mà ông Mậu, bà Hà vẫn tại vị?

“Bà Hà đã dấu nhẹm mọi việc không báo cáo để Đảng ủy, UBND xã xử lý mà để sai phạm kéo trong một thời gian dài làm dân mất lòng tin với cơ quan nhà nước, quần chúng mất lòng tin đối với Đảng, hội viên mất lòng tin với BQL”, một Ủy viên Thường vụ xã Quỳnh Tân thẳng thắn bộc bạch.

Tác giả: Nguyễn Đình Lộc

Nguồn tin: phuongnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP