Trong tỉnh

Nghệ An: Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Trước tình hình dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và hiệp hội các doanh nghiệp du lịch tỉnh Nghệ An đã đề ra các giải pháp vượt qua khó khăn, chuẩn bị mùa du lịch mới.

Khu du lịch biển Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh: Xuân Nhường

Doanh nghiệp thua lỗ, cầm cự trong mùa dịch

Theo báo cáo của Sở Du lịch Nghệ An, trong tháng 1.2020, tình hình du lịch có tăng trưởng khả quan. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 1.2020 ước đạt 643,5 tỉ đồng, tăng 3,36% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ lưu trú phục vụ 487,66 nghìn lượt khách, tăng 9,97% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bước sang tháng 2, bức tranh du lịch Nghệ An chuyển sang màu xám. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các công ty du lịch trên địa bàn Nghệ An gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh như lượng khách sụt giảm, hủy tour, hủy tuyến. Từ ngày 1 - 8.2, Nghệ An có khoảng gần 100 đoàn với gần 7.000 lượt khách báo hủy lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Theo Sở Du lịch Nghệ An, dự kiến trong tháng 2.2020, lượng khách lưu trú du lịch trên địa bàn chỉ đạt khoảng 128.000 lượt, doanh thu lưu trú dự ước đạt 36,8 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách đến các khu, điểm du lịch giảm 60%; doanh thu từ hoạt động lữ hành giảm 70% so với kế hoạch đề ra.

Một doanh nghiệp lữ hành lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết: Từ tháng 2.2020, lượng khách, số đoàn mà công ty thực hiện giảm 80% so với cùng kỳ. Mỗi tháng công ty đang âm 150 triệu đồng; sắp tới phải cho nhân viên nghỉ giãn cách. Nếu hết quý II mà tình hình không cải thiện, thì khó cầm cự nổi. Nhiều công ty lữ hành khác cũng đang rơi vào tình trạng cầm cự chờ qua giai đoạn khó khăn.

Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm

Trước tình hình nói trên, vào trung tuần tháng 2.2020, UBND tỉnh, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội thảo để tìm giải pháp đưa ngành du lịch vượt qua khó khăn.

Các doanh nghiệp du lịch đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo một số nội dung như tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước những nơi không có dịch nhằm thu hút khách; nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch; xem xét giảm thuế, giãn thuế cho các doanh nghiệp du lịch.

Ông Nguyễn Hữu Bắc - Giám đốc Công ty PhucGroup đề xuất một số giải pháp “giải cứu” doanh nghiệp du lịch. Đó là, đàm phán lại với ngành hàng không, điểm du lịch để chia sẻ, giảm thiểu thiệt hại; tranh thủ thời gian rảnh sắp xếp nhân sự, đào tạo lại nhân viên về nghiệp vụ hướng dẫn viên, điều hành, nâng cao kỹ năng mềm… Đồng thời, làm việc với các đối tác nước ngoài, chuẩn bị sản phẩm mới, tuyến mới nhằm sẵn sàng cho quảng bá sau khi ngày dịch kết thúc.

Trao đổi về các giải pháp hỗ trợ ngành du lịch trong thời điểm hiện nay, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Trước hết các đơn vị doanh nghiệp du lịch trong tỉnh cần làm tốt công tác giám sát, thống kê du khách từng đi qua vùng dịch; tuyên truyền về dịch bệnh cho du khách và cán bộ nhân viên; ổn định tổ chức; thực hiện công tác đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ; xây dựng tâm thế và các sản phẩm du lịch để sẵn sàng đón du khách khi hết dịch.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An nói: “Sở Du lịch sẽ phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tour tuyến, điểm đến, với thông điệp “Nghệ An thân thiện, văn minh, an toàn và hấp dẫn”; xây dựng chương trình, kế hoạch, sự kiện du lịch nhằm thu hút du khách ngay sau khi hết dịch bệnh”.

Tác giả: QUANG ĐẠI

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP