Trong tỉnh

Nghệ An: Hàng chục hộ dân xây dựng, cơi nới nhà cửa... để chờ đền bù

Tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu ( Nghệ An) hàng chục hộ dân đã đi tắt, đón đầu vay mượn, cầm cố để xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép với mong muốn hưởng tiền đền bù giải phóng mặt bằng từ dự án.

Ngay khi biết tiến độ giải phóng mặt bằng Lòng hồ dự án hồ chứa nước Bản Mồng được công bố đến các hộ dân trong vùng giải tỏa của dự án, hàng chục hộ dân tại các bản Bình Quang, Quỳnh 1, Quỳnh 2 đã đi vay “nóng”, mượn của bà con hàng chục triệu đồng về xây dựng nhà cửa, cơi nới tường rào cổng ngõ, công trình phụ chờ ngày được nhận tiền đền bù.

Những ngôi nhà đang mọc như nấm sau mưa để chờ đền bù tại bản Bình Quang.

Đầu năm 2018, xe chở VLXD chạy suốt ngày đêm trên các ngõ đường của 3 thôn trên. Và rồi những căn nhà, những tường rào cổng ngõ đến nay vẫn như còn mùi xi măng mọc lên như nấm sau mưa. Người ta xây dựng cả ngày lẫn đêm khiến thợ xây dựng lên cơn “sốt” ảo. Vì vậy giá ngày công xây dựng của thợ liên tục được đội lên nhưng vẫn làm không hết việc. “Thấy xung quanh người ta đua nhau đổ VLXD làm nhà cửa, tường rào cổng ngõ tôi cũng đi cầm cố “sổ đỏ” vay 40 triệu đồng và mượn thêm anh em ít nữa về làm cái cổng không kể ngày lẫn đêm”, anh L. (trú tại bản Bình Quang) cho biết.

Anh L chia sẻ thêm: “Nói thật, khi đó làm để có làm, làm kiểu cuốn chiếu mà chờ ngày nhận tiền đền bù chứ có chú ý đến chất lượng gì đâu”. Giờ đây mỗi tháng anh L phải tích góp trả hơn 2 triệu đồng tiền gốc lẫn lãi, trong khi gia đình anh chỉ có ba sào ruộng, bản thân anh là “thợ đụng”, ai gọi gì làm nấy, hết thợ hồ đến khai thác keo, công việc không ổn định.

Ở bản Bình Quang, ngoài những cổng ngõ, công trình phụ còn có những ngôi nhà ngày này qua ngày khác cửa đóng then cài, không có người ở, xung quanh là rừng núi hoang vu. Đó là những căn nhà được xây dựng tạm bợ, chạy đua với thời gian để nhận tiền đền bù từ dự án.

Tại bản Quỳnh 1 và Quỳnh 2, tình trạng cơi nới, xây mới các công trình cũng diễn ra sôi nổi không kém ở Bình Quang. Có nhiều nhà thuộc diện hộ nghèo của xã nhưng khi thấy làng xóm xây dựng nhiều quá cũng đi vay mượn tiền về xây công trình. Và rồi khi bị xã xuống lập biên bản và thông báo không được đền bù mới té ngửa biết đến bao giờ dành dụm đủ tiền mà trả nợ.

Gần 40 biên bản được UBND xã Châu Bình lập để đình chỉ, xử lý các hộ dân vi phạm.

Theo ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho hay: "Xã đã nhiều lần thông báo và nghiêm cấm việc xây dựng, cơi nới nhà cửa tới các hộ dân nhưng họ không nghe, cố tình hiểu sai chính sách đền bù. Vừa qua, xã đã phải tới từng hộ dân vi phạm kiểm tra, lập gần 40 biên bản để đình chỉ, xử lý vi phạm".

Trao đổi với PV, ông Lô Thanh Sơn - Trưởng phòng TNMT huyện Quỳ Châu chia sẻ: " Trong quá kiểm tra, nắm bắt tình hình khu vực thực hiện dự án chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp người dân tiến hành các hoạt động xây dựng mới, cơi nới công trình, vật kiến trúc trên phần diện tích đất quy hoạch thực hiện dự án để nhằm mục đích hưởng các chính sách về bồi thường GPMB. Huyện đã chỉ đạo xã lập biên bản để lấy cơ sở xử lý, đồng thời tuyên truyền các hộ dân không vi phạm nữa".

Tác giả: LÊ THÀNH

Nguồn tin: Báo Môi trường và Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP