Kinh tế

Ngân hàng "nóng ruột" cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo dịp cận Tết

Thời điểm cận Tết luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đồng thời, cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Bà Trần Thị Thu Vân, giám đốc một doanh nghiệp tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: "Mới đây, tôi có nhận được khuyến cáo của ngân hàng Vietcombank về nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo và lấy cắp thông tin khi giao dịch vào dịp cuối năm.

Đây cũng là thời điểm mà doanh nghiệp đang có nhiều giao dịch như giao nhận - chuyển tiền nên rất cần cảnh giác. Nếu có vấn đề gì thì rất căng, vì còn liên quan đến lương, thưởng cho người lao động trong dịp Tết”.

Tương tự, ông Trương Trung Thành, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM cũng nhận được cảnh báo của một ngân hàng: “Tôi đang sử dụng dịch vụ của Techcombank và mới nhận được cảnh báo về các loại tội phạm về ngân hàng dịp cận Tết. Chính vì vậy, tôi sẽ cảnh giác hơn với các hoạt động của mình khi giao dịch, đặc biệt là mua bán trực tuyến”.

Cảnh báo từ ngân hàng Techcombank gửi khách hàng thời điểm cận tết về lừa đảo giao dịch điện tử

Theo các ngân hàng, các thủ đoạn lừa đảo lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng vẫn là chiêu thức phổ biến.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin.

Khi khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP).

Một đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo hàng tỷ đồng vừa bị bắt.

Hoặc các đối tượng lừa đảo lập website/fanpage trên mạng xã hội để mạo danh ngân hàng. Các website/fanpage này thường sử dụng logo, hình ảnh và các bài viết được sao chép từ website/fanpage chính thức của ngân hàng.

Đối tượng lừa đảo tiếp cận khách hàng để tư vấn các sản phẩm vay với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với sản phẩm ngân hàng đang cung cấp.

Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, công việc, thu nhập… để phục vụ mục đích gian lận hoặc hướng khách hàng sang các dịch vụ tín dụng đen.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát… thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu/rửa tiền/mua bán ma túy và yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của cơ quan công an (giả mạo) để tạm giữ, phục vụ công tác điều tra.

Bên cạnh chiêu thức cũ trên thì còn có các thủ đoạn lừa đảo tự chuyển tiền.

Theo đó, đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên bưu điện thông báo khách hàng bị nợ cước viễn thông hoặc khách hàng có bưu kiện, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để thanh toán cước viễn thông hoặc chuyển tiền cước phí vận chuyển bưu kiện hoặc cước lưu kho.

Bà Lương Thị Thảo, Giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở quận 3, TP.HCM cho biết: Hiện nay, ngoài tấn công vào các loại thanh toán điện tử (thông quan các ví) thì một thủ đoạn lừa đảo khác là với khách hàng có nhu cầu vay tín dụng trực tuyến.

Khi đó, đối tượng giả mạo là người cho vay trực tuyến, yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử, rồi lợi dụng các thông tin này để thực hiện giao dịch gian lận. Do đó, khách hàng, người dân cần phải hết sức cảnh giác và đề phòng”.

Tác giả: Dương Thanh Tùng

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP