Khách sạn tăng công suất phòng
Đại diện khách sạn Sông La ở Thiên Cầm cho hay: "Khách sạn có 143 phòng, khoảng 90% đã được khách đặt cho kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Bên cạnh phần lớn khách đi tour từ miền Bắc, khách sạn cũng đón các khách lẻ là gia đình hoặc bạn bè đi theo nhóm".
Theo Ban quản lý Khu du lịch biển Thiên Cầm, lượng khách đến đây ngày một nhiều. Không chỉ riêng dịp 30/4, nhiều khách sạn như Công Đoàn, Thiên Ý... còn được các công ty du lịch đặt phòng trước để chuẩn bị cho mùa hè sắp tới. Trong khi năm ngoái, giữa cao điểm hè lượng khách đến đây khá đìu hiu.
Hướng dẫn viên Quang Huy cho hay dịp nghỉ lễ này anh có đoàn khoảng 40 khách đi tour Bắc Trung Bộ, trong đó nghỉ một đêm tại Thiên Cầm. "Các du khách đã không còn lo lắng về nước biển và hải sản như trước, mà tỏ ra rất hào hứng với chuyến đi sắp tới", anh Huy cho hay.
Tại Đồng Hới, hệ thống khách sạn trên đường Trương Pháp, dọc biển Nhật Lệ đã kín phòng dịp nghỉ lễ. Các khách sạn trong trung tâm thành phố công suất phòng cũng đạt 80 - 90%. Ông Lê Chiêu Lĩnh, chủ khách sạn Hà Nội Quảng Bình, cho biết dù lượng khách tăng cao nhưng giá phòng chỉ điều chỉnh để bù các chi phí phát sinh, không quá 50% so với ngày thường.
Tuy tỷ lệ đặt phòng ở biển Cửa Tùng, Cửa Việt (Quảng Trị) thấp hơn các điểm du lịch trên, nhưng theo ông Nguyễn Đức Tú, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Trị, đã tăng nhiều so với năm ngoái. "Nhiều khách sạn ở thành phố Đông Hà và khu du lịch biển có lượng phòng đặt 60-70%. Dù chưa đạt được công suất như trước khi xảy ra sự cố môi trường nhưng điều này cho thấy khách đã quay trở lại nhiều hơn", ông Tú nói.
Hải sản đã được khách tin dùng
Khảo sát tại khu du lịch biển ở Bắc Trung Bộ, các nhà hàng, quán ăn đều đã phục vụ hải sản trở lại.
Ông Hoàng Xuân Hướng, trưởng ban quản lý khu du lịch biển Thiên Cầm cho biết tại đây có 66 nhà hàng và kiot bán đồ ăn, tất cả đều phục vụ hải sản. Trong đó 2/3 hàng quán có khách đặt bàn thường xuyên. "Khách có thể gọi mực, ghẹ, cá mú, hàu, sò... tươi sống để chủ hàng chế biến, giá cả có tăng so với ngày thường một chút. Ví dụ mực nhập vào khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg nhưng dịp lễ khoảng 180.000 - 200.000 đồng", ông Hướng cho hay.
Với các nhà hàng ở biển Cửa Việt, ông Tú cũng cho biết nguồn hải sản tươi sống, được đánh bắt xa bờ nên du khách có thể yên tâm thưởng thức.
Tại biển Nhật Lệ, các nhà hàng phục vụ hải sản trở lại từ đầu tháng 3, một số bán ngay từ ra Tết âm lịch. Bà Hương, chủ nhà hàng Cánh buồm đỏ ở Đồng Hới thông tin nhờ lượng khách đã đông trở lại và dần ổn định, nên dự kiến trong dịp lễ, mỗi ngày cơ sở sẽ đón khoảng 500 khách. Thực đơn phục vụ đa dạng từ tôm hùm, cá vược, cá bớp đến các loại tôm, ghẹ, ốc hướng, ngao, sò...
"Trước đây khi gặp sự cố ô nhiễm môi trường biển, các nhà hàng phải lấy hải sản từ Nha Trang, Phú Yên... Nhưng nay biển sạch trở lại, chúng tôi lấy hải sản trực tiếp từ các tàu đánh bắt trở về, nên đồ tươi và ngon hơn, khách cũng thích", ông Lê Đức Hạnh, chi hội trưởng chi hội nhà hàng, Hiệp hội Du lịch Quảng Bình hồ hởi nói.
Sự cố môi trường làm ô nhiễm vùng biển hồi tháng 4/2016 khiến du lịch 4 tỉnh Bắc Trung Bộ chịu thiệt hại nặng nề. Nhớ lại thời điểm đó, bà Trương Thị Minh Châu - Phó Giám đốc khách sạn Mường Thanh Quảng Bình, cho biết đã không kìm được nước mắt khi nhìn nhiều khách sạn ở Đồng Hới tối đèn dù đang trong những ngày nghỉ lễ. Nhiều nhà hàng ở Nhật Lệ phải đổi thực đơn phục vụ từ hải sản sang đặc sản rừng như gà, lợn, dê, bò... hoặc cá sông.
Tại biển Thiên Cầm, hàng loạt hàng quán trong tình cảnh vắng bóng khách trong thời gian dài. Chủ quán Tám Hạnh cho biết trước sự cố ô nhiễm biển, gia đình anh thuê 8 nhân viên phục vụ nhưng đến tháng 5/2016 chỉ còn một, vì không có khách. Khách sạn Thiên Ý thời điểm đó công suất phòng chỉ đạt 20%.
Tác giả bài viết: Vy An
Nguồn tin: