Bài viết thu hút hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ |
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip dài 5 phút 14 giây ghi lại cảnh tranh luận giữa CSGT và một người dân đang quay clip. Người đăng tải clip viết: “Không có lỗi vi phạm mà cũng không cho đi. CSGT đòi xóa clip mới cho đi, tại sao CSGT TP.HCM sợ người dân giám sát đến vậy?”.
Không sai sao phải sợ quay clip?
Theo nội dung đoạn clip, một người đàn ông sau khi dừng lại đưa giấy tờ cho CSGT kiểm tra đã mở điện thoại quay video. CSGT thấy vậy đứng ngăn cản ngay cửa xe không cho anh lên xe nên hai bên xảy ra cãi vã.
Người quay phim liên tục yêu cầu CSGT đứng cách xa mình 5m, nhưng CSGT không những không đứng cách ra mà còn nói: “Giờ tôi muốn kiếm chuyện với anh đó thì sao? Đâu có gì đâu phải sợ”. Thấy vậy, người này đọc tên CSGT không cho anh lên xe đi tiếp dù không có lỗi vi phạm là Đại úy V.Q.N.
Người CSGT hỏi: “Ai cho anh quay phim?”. Người này đáp: “Tôi có quyền giám sát các đồng chí! Luật nào không cho tôi quay phim”. Nghe vậy, CSGT liền nói: “Ủa chứ luật nào cho anh quay phim người ta”…
Cuộc cãi vã kéo dài khoảng 5 phút thì CSGT yêu cầu: “Anh xóa clip thì tôi cho anh lên xe. Không thì mời anh lên phường làm việc”.
Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip đã được nhiều nhóm trên Facebook chia sẻ lại và nhận được hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ. Đa số các ý kiến đều bức xúc trước cách cư xử của vị CSGT và có lời ủng hộ cho sự hiểu biết pháp luật của người quay phim.
Vị CSGT khiến dư luận bức xúc vì cách hành xử với người dân |
Tài khoản Quang Anh bình luận: “CSGT sao lại có quyền can thiệp vào điện thoại của công dân. Điện thoại đâu liên quan tới giao thông?”. Anh Khánh Nguyễn thì nêu ý kiến rằng người quay phim nên la lớn lên để người dân hiếu kỳ đến xem và quay clip để gây lại áp lực với CSGT. Nickname Nam Tran thì thắc mắc: “CSGT không sao thì sao phải sợ quay phim và sao cứ bắt người dân xóa clip làm gì nhỉ?”.
Người dân có quyền giám sát CSGT nên việc người dân quay clip, chụp hình khi CSGT làm việc đó là quyền của người dân. Việc giám sát ở đây là quan sát, chứ người dân không có quyền kiểm tra giấy tờ của CSGT, vì việc kiểm tra CSGT là của điều lệnh. Do đó, khi người dân quay clip CSGT TP.HCM mà bị lực lượng CSGT phản ứng cũng như có khiếu nại, thắc mắc gì liên quan đến CSGT của các đơn vị thuộc phòng có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 0994.67.67.67 |
Hàng loạt ý kiến khác cũng đề nghị Phòng CSGT đường bộ - đường sắt phải xử lý nghiêm trường hợp của chiến sĩ CSGT để có tính răn đe trong lực lượng.
Điều chuyển công tác
Ngày 2.6, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cho biết sự việc trong đoạn video clip trên đã xảy ra cách đây khoảng 5 tháng tại Đội CSGT Nam Sài Gòn.
“Vụ việc này phòng đã tiếp nhận và xử lý. Đồng chí CSGT xuất hiện trong clip trên cũng đã bị điều chuyển từ công tác mặt đường vào công tác văn phòng cách đây 4 - 5 tháng”, Trung tá Bình thông tin.
Cũng theo Trung tá Bình, người dân có quyền giám sát CSGT nên việc người dân quay clip, chụp hình khi CSGT làm việc đó là quyền của người dân. Việc giám sát ở đây là quan sát, chứ người dân không có quyền kiểm tra giấy tờ của CSGT, vì việc kiểm tra CSGT là của điều lệnh.
Do đó, khi người dân quay clip CSGT TP.HCM mà bị lực lượng CSGT phản ứng cũng như có khiếu nại, thắc mắc gì liên quan đến CSGT của các đơn vị thuộc phòng có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 0994.67.67.67. Đây là số điện thoại luôn luôn mở 24/7 để tiếp nhận thông tin từ người dân.
Tác giả: Vũ Phượng
Nguồn tin: Báo Thanh Niên