Kinh tế

Cho vay nặng lãi bị phạt nặng: Tín dụng đen hết đường?

Cơ quan chức năng TP.Phú Yên tuyên phạt 3 bị cáo tổng số tiền 350 triệu đồng về hành vi cho vay lãi cao.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Trung Hậu thuê một căn nhà ở P.7, TP. Tuy Hòa, Phú Yên để mở dịch vụ hỗ trợ tài chính, cho vay tiền với lãi suất cao.

Để văn phòng hoạt động, Hậu thuê thêm Nguyễn Duy Hùng, Vũ Văn Nam và Nguyễn Thế Sơn với tiền công 4 triệu đồng/ người/ tháng.

Khi khách có nhu cầu thù Hùng và Nam đến địa chỉ xác minh nơi ở, nghề nghiệp rồi lập hồ sơ dưới hình thức cho vay trả góp hàng ngày trên cơ sở số tiền vay và thời gian vay của người vay.

Ngoài ra, Hùng, Nam và Sơn còn thu tiền của người vay gọi là chi phí làm hồ sơ, đi lại thu tiền góp của người vay. Hàng ngày, Hùng, Nam và Sơn chia nhau đi thu tiền của những người vay rồi về giao lại cho Hùng để ghi vào sổ theo dõi, cất giữ và tổng hợp, báo cáo lại cho Hậu.

Ảnh minh họa.

Khi hoạt động trung tâm bị phát hiện, cơ quan chức năng xác định, từ tháng 10/2018 đến tháng 11/2018, cả 3 đối tượng đã cho 39 người vay với số tiền vay từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng, lãi suất từ 152,2%/năm đến 304,05%/năm (cao gấp 7,6 lần đến 15,2 lần so với mức lãi suất cao nhất mà BLDS quy định) và thu tiền phí từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Cả ba đã thu lợi bất chính hơn 70,7 triệu đồng.

Còn đối tượng cầm đầu Nguyễn Trung Hậu đã bỏ trốn và đang bị truy nã.

Trao đổi với Đất Việt, Luật sư Nguyễn Văn Thành - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, quy định về thỏa thuận giao dịch cho vay dân sự cũng đã được quy định rất rõ trong Bộ Luật dân sự 2015.

Theo đó, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, tuy nhiên không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

"Với quy định này, chúng ta sẽ có công thức tính là tối đa trung bình một tháng khoản lãi suất sẽ là 20%/12 tháng bằng 1,666%/ tháng). Với bất kỳ thỏa thuận nào mà với mức lãi suất cao hơn thì thỏa thuận đã sẽ không có hiệu lực" - ông Thành cho biết.

Quy định đã có là vậy, nhưng ông Thành thừa nhận tình trạng tín dụng đen vẫn đang hoành hành ở nhiều vùng của Việt Nam nhưng không bị xử lý.

Ông Thành cho rằng, để xử lý được người cho vay lãi cao - tín dụng đen thì trước tiên người vay phải đứng ra tố cáo, kèm theo đó là các bằng chứng trong quá trình vay bị thỏa thuận, đe dọa khi không có đủ khả năng trả tiền.

"Thông thường khi vay, người vay thường biết trước mức lãi suất mà phía tín dụng đen đưa ra. Nhưng khi không đủ khả năng trả nợ thì sợ hãi, bỏ trốn, không còn tâm trí để đi tố cáo. Hơn nữa, thông thường việc cho vay tín dụng đen hiện nay bị hợp thức hóa bằng việc người cho vay viết giấy vay nợ dưới hình thức cho con nợ vay một hiện vật tương đương với khoản tiền cho vay.

Nghĩa là trên giấy tờ, người vay sẽ mượn của người vay một hiện vật trị giá tương đương với 1 số tiền nhất định và người vay phải trả bằng tiền mặt. Điều này cũng sẽ gây khó khăn trong quá trình xử lý của cơ quan chức năng" - ông Thành cho biết.

Tác giả: Ngọc Thanh

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP