Trong nước

"Cấm uống rượu bia khi lái xe thể hiện quyết tâm ngăn chặn tai nạn giao thông"

Khi các quy định Luật Phòng, chống tác tại của rượu, bia đã chính thức có hiệu lực, chuyên gia pháp lý cho rằng đây là nỗ lực và quyết tâm ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Từ 01/01/2020, Luật Phòng, chống tác tại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Trước đó, ngày 30/12, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ với nhiều điểm mới. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật.

Trao đổi với PV báo Gia đình Việt Nam về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông) là cần thiết.

Khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chỉ rõ: “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy dù uống rượu bia nhiều hay ít đều bị cấm lái xe.

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do tài xế có sử dụng bia rượu (Ảnh: TL).

"Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông", Luật sư Diệp Năng Bình nhận định.

Để làm rõ hơn quy định nêu trên, khoản 1 và khoản 3 Điều 21 của Luật quy định: Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.

Mọi trường hợp lái xe sau khi uống rượu, bia đều phạm luật.

"Nói tóm lại, khi Luật này có hiệu lực, mọi trường hợp lái xe khi đã uống rượu, bia đều bị nghiêm cấm hoàn toàn, cho dù là uống ít hay uống nhiều, cho dù là đi xe đạp hay lái ô tô, xe máy. Mọi trường hợp lái xe sau khi uống rượu, bia đều là phạm luật", Luật sư Diệp Năng Bình nói.

Ngoài nghiêm cấm lái xe sau khi uống rượu, bia, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn có nhiều quy định khác như: Nghiêm cấm ép buộc, lôi kéo, kích động người khác uống rượu bia; Nghiêm cấm người dưới 18 tuổi uống rượu, bia…

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP