Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng |
Dự báo mưa rất lớn và xảy ra lũ ống, lũ quét
Theo dự báo của Khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 4 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10, bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão đang tiến vào đất liền, trong đó dự kiến đổ bộ vào Nghệ An, Thanh Hóa vào tối thứ Sáu (30/8).
Dự kiến lượng mưa từ Thanh Hóa đến Quảng Bỉnh là Nghệ An là 200 - 250mm, lũ báo động 2 đến báo động 3 trên sông Mã, sông Cả, nguy cơ lũ quét cao. Mưa sẽ kéo dài đến 2 - 3/9.
Dự báo 13h ngày mai (29/8), bão dự báo sẽ vào biển Đông, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30 km và có khả năng mạnh thêm.
Đường đi của bão chiều 28/8. Ảnh: Đài Khí tượng thủy văn. |
Đến 7h sáng mai (29/8), vị trí tâm bão ở khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên), phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; Phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông.
Đến sáng 30/8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, ngay phía Nam đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100 km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 7h ngày 31/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9.
Nghệ An còn 1170 khách ở Cửa Lò và Bãi Lữ
Đầu điểm cầu Nghệ An, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An báo cáo: Chủ động ứng phó với cơn bão số 4, Nghệ An đã chấp hành nghiêm túc Công điện số 12 của Trung ương, tỉnh đã có 2 công điện gửi các địa phương về phòng, chống bão số 4.
Toàn tỉnh có 3.947 tàu thuyền, 18.700 lao động, trong đó 3.819 tàu thuyền đang neo bến, 36 phương tiện đang đánh bắt ven bờ đã nhận được thông tin. Có 76 tàu với 750 lao động đang neo đậu ở các tỉnh biển.
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo công tác chuẩn bị đối phó với bão số 4. Ảnh: Lâm Tùng |
Từ 5h sáng 29/8, Nghệ An sẽ cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi. Nghệ An có 19.000 ha nuôi trồng thủy sản, còn trên 16.000 ha đang nuôi, đã thông báo cho nhân dân để có phương án phòng, chống. Về khách du lịch, hiện còn 1.170 khách ở Cửa Lò và Bãi Lữ đã nắm bắt thông tin bão số 4 để phòng tránh. Nghệ An cũng chủ động phương án di dân những vùng xung yếu.
Ở đồng bằng, Nghệ An chỉ đạo nhân dân thu hoạch nhanh lúa hè thu, đã thu hoạch được 70%, còn lại thu hoạch trong 2 ngày tới. Các công trình thủy lợi sẵn sàng vận hành, thủy lợi, ứng phó. 18 hồ thủy điện lớn trên địa bàn đang vận hành theo quy trình liên hồ chứa, lưu lượng hồ chứa đang an toàn.
Nghệ An cũng đề xuất Trung ương điều động có tàu có công suất lớn vào Cửa Lò để khi cần để cùng địa phương cứu hộ, cứu nạn và tăng cường về công tác dự báo. Ngay sau cuộc họp này lãnh đạo các địa phương tỏa ra các địa bàn để chủ động phòng, chống bão số 4.
Tuyệt đối không được chủ quan
Chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng quán triệt: Bão vào đúng vào dịp nghỉ dài ngày nên các địa phương cần hết sức chú ý. Dự báo cơn bão sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ lũ quét lũ ống rất cao. Trong khi đó có 23.000 ha hè thu chưa thu hoạch, các hồ, đập cũng nhiều, nhiều hồ chưa được nâng cấp.
Các địa phương lưu ý thông báo kịp thời cho khách du lịch và di dời dân đến nơi an toàn, tuyệt đối không được chủ quan, tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Người dân xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) cứu đê biển trong cơn bão năm 2017. Ảnh tư liệu. |
Ban Chỉ huy phòng, chống TT và TKCN các cấp theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, chủ động ứng phó với bão, với phương châm “4 tại chỗ”, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân, cấm biển, liên lạc với tất cả các tàu thuyền đang trên biển, bảo vệ hạ tầng kinh tế ven biển.
Chủ động bảo vệ đê điều, đặc biệt các đoạn đê xung yếu, hết sức lưu ý phòng, chống sau hoàn lưu bão. “Di dân, chú trọng rà soát lại các vùng sạt lở, lũ quét, lũ ống ở các địa phương để chủ động ứng phó bởi đây thường là những vùng thiệt hại nặng nhất sau bão” – Phó Thủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Tác giả: Trân Châu - Lâm Tùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An