Trong tỉnh

Phương án chi tiết sáp nhập xã phường của Nghệ An

Dự kiến sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã của Nghệ An giảm từ 412 xuống 130, tên xã lấy theo tên huyện kèm số thứ tự, một số giữ lại tên địa danh nổi tiếng.

Nghệ An có diện tích lớn nhất cả nước với 16.486 km2, hơn 3,8 triệu dân. Tỉnh hiện có 17 huyện, 2 thị xã, một thành phố, tổng số đơn vị hành chính cấp xã là 412. Theo dự thảo mới nhất vừa được trình lên cơ quan có thẩm quyền, dự kiến sau sắp xếp tỉnh còn 119 xã và 11 phường.

Trước đó hồi cuối tháng 3, tỉnh dự kiến sắp xếp còn 88-95 xã phường.

Về tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sáp nhập, ngoài đặt theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) gắn với số thứ tự, nhiều địa phương giữ nguyên tên xã cũ, hoặc đặt tên mới dựa trên yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Hai địa danh nổi tiếng được giữ nguyên hoặc đặt lại tên khi sáp nhập là Kim Liên và Cửa Lò.

Xã Kim Liên, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Hùng

Xã Kim Liên là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thuộc huyện Nam Đàn. Huyện này dự kiến sắp xếp 17 xã, thị trấn thành 5 đơn vị, trong đó có 4 xã mới lấy tên là Nam Đàn, thứ tự 1-4.

Xã Kim liên sẽ sáp nhập với 4 xã khác gồm Hùng Tiến, Xuân Hồng, Nam Giang và Nam Cát, lấy tên là Kim Liên. Theo nhà chức trách, Kim Liên không chỉ đơn thuần là địa danh hành chính mà còn là biểu tượng thiêng liêng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong nước và quốc tế. Nơi đây lưu giữ không gian văn hóa, lịch sử, tài liệu, hiện vật gắn với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng người thân trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, vì vậy cần giữ tên.

TP Vinh dự kiến sẽ lập phường Cửa Lò, trên cơ sở 7 phường thuộc thị xã Cửa Lò (cũ) được sáp nhập vào TP Vinh hôm 1/12/2024. Cửa Lò từ xưa đến nay là khu đô thị biển nổi tiếng của Bắc Trung Bộ, đặt lại tên này nhằm đảm bảo tính ổn định về hình ảnh, thương hiệu, có ý nghĩa lớn trong việc xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch.

Một góc của phố biển Cửa Lò, TP Vinh. Ảnh: Đức Hùng

Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, Nghệ An cùng 10 tỉnh, thành sẽ giữ nguyên trạng gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Cao Bằng. 52 địa phương sáp nhập còn 23 tỉnh, thành. Cả nước sẽ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu). Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025. Dự kiến, cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã.

Tác giả: Đức Hùng

Nguồn tin: vnexpress.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP