Đã gần 20 năm qua kể từ khi có ý tưởng đến chủ trương phục hồi, tu bổ, tôn tạo “di tích” thì đến nay đây đang là vấn đề với những dấu hỏi lớn.
Trải qua bao biến cố lịch sử và xã hội, nay Văn Miếu Vinh là di tích hay phế tích? Không chỉ cơ quan chức năng ở Nghệ An đau đáu về việc phục dựng lại “miếu điện” văn hóa, lịch sử này mà người dân cũng mong mỏi, nhưng ý tưởng đó vẫn đang nằm im trên giấy đã gần 20 năm nay.
Cổng Công ty CP In Nghệ An, lối vào Văn Miếu Vinh xưa |
Đi tìm dấu tích
Sở dĩ chúng tôi nêu câu hỏi này đầu tiên là để xác định chuẩn xác hiện trạng Văn Miếu Vinh sau gần hai 200 năm xuất hiện đang ở trong tình cảnh như thế nào. Bởi trong các văn bản của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An gửi thông báo tới các Sở VHTT, Xây dựng, UBND TP Vinh, Công ty CP In Nghệ An… về nội dung triển khai “Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Văn Miếu Vinh” đều gọi đây là “di tích”. Mà đã là “di tích” thì hẳn phải có diện mạo, hạng mục... Trong lúc đó, theo tìm hiểu thì Văn Miếu Vinh đã là phế tích nhiều thập kỷ nay.
Sáng qua 3.9, tại Công ty CP In Nghệ An (số 216 đường Trần Phú, phường Hồng Sơn, TP Vinh) chúng tôi gặp lại cảnh trí cũ cách đây hàng chục năm. Đó là, khuất sau nhà xưởng, văn phòng của công ty này chỉ còn sót lại một ngôi nhà Hậu cung cột gỗ, mái ngói của Văn Miếu Vinh xưa. Ông Nguyễn Mai Thắng, Phó quản đốc phân xưởng máy dẫn chúng tôi đến nhìn cái bàn thờ dã chiến do giám đốc trước đây lập nên dưới mái hiên ngôi Hậu cung để thắp hương dịp mồng Một hoặc ngày Rằm hằng tháng. Ngôi Hậu cung giờ đã thành cái kho hoang, chứa giấy loại và các vật dụng thải loại. Chúng tôi ngước nhìn tám cái cột, kèo, xà ngang ngôi nhà và ba phía tường xây từ năm 1803 đang chịu sự tác động phũ phàng của thời gian và con người để “cố giữ” lại một dấu tích cuối cùng của phế tích.
Từ ngôi Hậu cung nhìn ra thấy diện mạo Công ty này bừa bộn, chắp vá và cỏ rác. Phía trước cổng công ty là một dải đất mặt tiền quốc lộ 1, dài 50m đã cho thuê. Đây là mặt tiền của ba nhà hàng. Hết 50m chiều dài này là đường Văn Thánh, chạy dọc phía nam Văn Miếu Vinh. Tiếp giáp với số 216 đường Trần Phú xuất hiện một quán nướng cũng là đất của Văn Miếu Vinh cho thuê. Ông Uông Văn Hiệp, Giám đốc Công ty CP In Nghệ An cho biết: “Toàn bộ diện tích đất do công ty quản lý trên di tích Văn Miếu Vinh là 6.700m2. Diện tích hơn 400m2 của bốn cửa hàng trước cổng và bên cạnh công ty là của hai cổ đông thuê sau khi công ty cổ phần hóa năm 2006. Bình quân mỗi năm công ty nộp thuế đất cho Nhà nước là 840 triệu đồng”.
Theo ông Hiệp, tiền thân của công ty này là Nhà máy In Nghệ An, xây dựng trên đất Văn Miếu Vinh vào năm 1958. Tiếp theo là nhiều tên gọi của các nhà máy, xí nghiệp in ấn khác khi tách tỉnh là của Nghệ An, khi nhập tỉnh với Hà Tĩnh là của Nghệ-Tĩnh, giờ đã cổ phần hóa thuộc Công ty CP In Nghệ An.
Ngôi nhà hậu cung hoang phế |
Những văn bản mở đầu...
Trao đổi về việc phục dựng phế tích Văn Miếu Vinh, ông Hiệp lặng đi trong chốc lát rồi đứng dậy lục tìm tài liệu, đưa cho chúng tôi xem một số văn bản, thông báo của Ban thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An về công việc này. Chúng tôi hỏi: “Dự án mắc mớ ở đâu mà gần 20 năm nay vẫn nằm trên giấy, trong hộc tài liệu như thế này?”. Ông Hiệp nói nhanh: “Đã có quy hoạch gì đâu. Nhưng cốt lõi của nó nói cho vuông là không có tiền”.
Theo đó, trong thông báo của UBND tỉnh Nghệ An ngày 10.10.2007 về ý kiến của Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Ky kết luận tại Hội thảo khoa học do UBND tỉnh tổ chức ngày 12.9.2007 đã “chốt” lại bốn nội dung cần kíp, gồm: Sự cần thiết phục hồi tôn tạo Văn Miếu Nghệ An (gìn giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa của Văn Miếu, góp phần tôn vinh truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ. Đây là việc làm cần thiết, cấp bách). Chọn địa điểm phục hồi, tôn tạo Văn Miếu (tại địa điểm cũ). Nội dung phục hồi, tôn tạo (các kiến trúc cảnh quan như sân, tường rào, tam quan, khuê văn các, giếng Thiên Quang Tĩnh, nhà bái đường, hậu cung, tả vu, hữu vu; các bia đá ghi tên những vị đỗ đạt ở Nghệ An qua các kỳ thi…). Giao Sở VHTT hoàn chỉnh hồ sơ khoa học để xin ý kiến Bộ, ngành liên quan. Sau đó trình Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quyết định.
Phía trong nhà hậu cung hiện nay |
Bốn năm sau, năm 2011, Tỉnh uỷ Nghệ An ra thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Nghệ An. Thông báo cho biết, ngày 27.5.2011, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức cuộc họp bàn chủ trương về vấn đề này. Cuộc họp có lãnh đạo các Văn phòng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh và các Sở Xây dựng, LĐ,TB&XH, VHTT, Thường trực Thành uỷ và UBND thành phố Vinh… Kết luận của Thông báo này là “đồng ý phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Nghệ An tại địa điểm cũ. UBND tỉnh chỉ đao các Sở, ban, ngành và UBND TP Vinh triển khai, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ba tháng sau, ngày 8.9.2011, UBND tỉnh có công văn gửi Sở Xây dựng, VHTT, UBND TP Vinh và Công ty CP In Nghệ An. Nội dung công văn giao Công ty CP In Nghệ An phối hợp Sở Xây dựng và UBND TP Vinh đề xuất vị trí di chuyển của công ty để UBND tỉnh xem xét, quyết định trước ngày 30.10.2011. Giao Sở VHTT khẩn trương tổ chức, lập quy hoạch chi tiết theo dự án quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước ngày 30.10.2011. Giao UBND TP Vinh khẩn trương lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB 14 hộ dân và Công ty CP In Nghệ An theo quy định, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30.10.2011. Các Sở Xây dựng, Tài chính, TN&MT, KH&ĐT theo chức năng, nhiệm vụ kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB; tham mưu nguồn vốn để thực hiện dự án và ưu tiên xử lý hồ sơ cho dự án.
Tiếp đó, UBND TP Vinh có công văn gửi Trung tâm quỹ đất TP Vinh, UBND phường Hồng Sơn và Công ty CP In Nghệ An lập phương án bồi thường GPMB tái định cư để thực hiện dự án nêu trên. Năm 2013, Ban Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An ra tiếp Thông báo về việc thực hiện dự án. Công văn này nêu rõ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đồng ý chủ trương phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Nghệ An tại vị trí Văn Miếu cũ. Khẩn trương lập phương án bồi thường, hỗ trợ và bố trí vào khu tái định cư của TP Vinh cho 14 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án. Đối với Công ty CP In Nghệ An, nghiên cứu bố trí vị trí mới vào cụm khu công nghiệp nhỏ Hưng Đông. Văn phòng công ty bố trí tại khu đất đang dư thừa của Nhà xuất bản Nghệ An.
Rồi từ đó đến nay, Văn Miếu Vinh phế tích vẫn là phế tích.
Tác giả: Vũ Toàn
Nguồn tin: Báo Văn Hóa