Tham dự hội nghị có lãnh đạo các địa phương: Thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bùi Thanh An – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 13 địa phương (thuộc Tổ công tác số 2) là 129.478,545 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/4/2023, tổng số vốn đã giải ngân được 13.803,505 tỷ đồng, đạt 10,66% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Có 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước: Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Nội, Bình Định. Có 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung cả nước: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Trị, Khánh Hòa, Đà Nẵng.
Tại hội nghị, các địa phương đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công: Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất); các địa phương chưa chủ động bố trí đất sạch để tái định cư. Quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài. Công tác đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, số lượng giao dịch thành công ít hơn nhiều so với dự kiến nên việc triển khai các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn này gặp nhiều khó khăn. Một số công việc có trình tự thủ tục nhiều bước, kéo dài như chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa, đàm phán hiệp định, đấu thầu… Khan hiếm nguyên vật liệu, giá cả tăng cao, thủ tục cấp phép kéo dài do vật liệu đắp nền được coi là khoáng sản. Các Chương trình mục tiêu quốc gia giao vốn muộn, công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện còn lúng túng.
Bên cạnh đó, đầu năm 2023, các địa phương đang tập trung giải ngân hết số vốn đang làm thủ tục kéo dài thời gian giải ngân và hoàn trả khối lượng ứng trước hợp đồng đối với các dự án mới ký hợp đồng. Chủ đầu tư chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn các dự án; năng lực nhà thầu hạn chế, chưa tập trung máy móc, nhân lực để thi công…
Tại tỉnh Nghệ An, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là 9.033,5 tỷ đồng. Trong đó: Đã phân bổ chi tiết 8.841,867 tỷ đồng, đạt 97,88%; chưa phân bổ 191,633 tỷ đồng nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia do còn 13 dự án chưa hoàn thiện thủ tục để giao vốn.
Tính đến ngày 10/4/2023, tổng vốn đã giải ngân là 1.194,545 tỷ đồng/KH 9.033,5 tỷ đồng, đạt 13,22%. Cụ thể: Nguồn ngân sách Trung ương đã giải ngân 363,068 tỷ đồng/KH 3.960,799 tỷ đồng, đạt 9,17%; Nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 831,477 tỷ đồng/KH 5.072,701 tỷ đồng, đạt 16,39%.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu |
Phát biểu tại hội nghị, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thì việc giải ngân vốn đầu tư công là một quá trình, thông thường giải ngân vốn đầu tư công được tập trung vào cuối năm. Chính phủ thành lập các Tổ công tác do các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng làm Tổ trưởng để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương ngay từ đầu năm sẽ tạo thuận lợi, đồng thời cũng là cho các địa phương có trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Nghệ An đã phân công cho từng đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc giải ngân các dự án; thành lập tổ công tác, tăng cường kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; yêu cầu các chủ đầu tư đăng ký kế hoạch giải ngân hàng tháng, quý của từng dự án; yêu cầu 10 ngày/1 lần thông báo kết quả giải ngân vốn đầu tư công…
Báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn, cho phép điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có thể thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tỉnh triển khai các bước tiếp theo, kịp hoàn thành các dự án trong giai đoạn 2021-2025; cho phép kéo dài vốn ngân sách Trung ương năm 2022 sang năm 2023 để các địa phương kịp triển khai thực hiện và giải ngân trước ngày 31/12/2023.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế – xã hội; là chỉ tiêu đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành. Qua hội nghị, các địa phương đều có sự quyết tâm, nắm chắc tình hình và xác định trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công là trách nhiệm của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ hy vọng các địa phương sẽ đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.
Trả lời các kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương từng bước tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Các địa phương phải có trách nhiệm trong việc bố trí tái định cư, xây dựng các thiết chế xã hội; công tác giải phóng mặt bằng phải đi liền với tái định cư. Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh; nâng cao chất lượng định giá đất theo đúng quy định…
Các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, các bộ, ngành chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương…
“Các địa phương phát huy tính chủ động, thẳng thắn chia sẻ những khó khăn để các Bộ, ngành, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn