Phiếu đánh giá học tập của con gái chị Thương (đã xóa dữ liệu cá nhân của học sinh) |
Chị Thương, phụ huynh một học sinh lớp 1 ở một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa (Hà Nội), kể lại mới đây, khi đón con sau buổi học cuối năm, chị thấy bé đưa giấy khen học sinh giỏi và quà của cô, quà của ban phụ huynh nhưng mặt mày buồn thiu.
"Hôm trước tôi cũng nhận thông báo của cô về kết quả học tập của con. Các bài kiểm tra định kỳ môn toán, tiếng Việt con đều đạt 10 điểm, những môn đánh giá bằng nhận xét đều đạt mức tốt. Tuy con không nằm trong tốp đầu ở lớp nhưng kết quả của con vượt xa mong đợi của tôi. Thế nên tôi không hiểu vì sao con không vui.
Về nhà, con mới đưa phiếu đánh giá học tập và chỉ vào dòng chữ 'Trẻ béo phì' ở mục sức khỏe. Con buồn vì bị đánh giá là béo phì", chị nói.
Chị Thương cho biết con chỉ nặng 27kg, nhưng trên phiếu ghi nhầm con 37kg và kết luận là "trẻ béo phì". Khi trao đổi với cô giáo chủ nhiệm, cô nhận lỗi vì đã nhập sai dữ liệu, nhầm tưởng con 37kg nên đánh giá là "trẻ béo phì".
"Sự việc đã được cô đính chính nhưng tôi cứ băn khoăn mãi. Có nhất thiết phải ghi trên phiếu học tập phát cho học sinh chữ 'trẻ béo phì' không? Phiếu đánh giá kết quả học tập theo mẫu, trong đó có mục 'sức khỏe' phải điền. Nhưng theo tôi hiểu đó là để ghi tình trạng sức khỏe có đảm bảo yêu cầu học tập không. Vì thế có thể khi 'bình thường' hoặc 'đạt yêu cầu', 'không đạt yêu cầu'.
Việc ghi rõ tình trạng trẻ béo phì, trẻ thừa cân, trẻ suy dinh dưỡng gầy còm, như cách cô giáo ghi trên phiếu của các con chỉ phù hợp ở giấy khám sức khỏe định kỳ và hạn chế phổ biến. Lẽ ra chỉ nên trao đổi với phụ huynh thay vì phát cho học sinh khiến trẻ bị cảm giác xấu hổ và lo âu", chị Thương nói.
Chia sẻ với Tuổi trẻ Online, một vài phụ huynh có con học tiểu học ở Hà Nội cũng cho biết con mình bị ghi 'béo phì', 'thừa cân'. Nhiều trường hợp khác ghi 'bình thường', 'đạt yêu cầu'.
Chị Hằng có con học lớp 2 ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết con chị đúng là đang trong tình trạng thừa cân. Nhưng trên phiếu cô giáo vẫn ghi đạt yêu cầu. Trước đó, khi con được khám sức khỏe thì trên phiếu khám sức khỏe có ghi rõ con thừa cân, cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tập luyện. Phiếu được gửi cho bố mẹ và cô giáo cũng trao đổi riêng để bố mẹ khích lệ con tập luyện và điều chỉnh chế độ ăn uống.
Cùng sự việc, nhưng cách làm khác nhau. Chị Thương cho rằng trẻ em ở thành phố, nhất là bé gái, rất nhạy cảm với việc bị đánh giá thừa cân, béo phì. Việc này cũng một phần do người lớn làm lây lan sang trẻ tâm lý "sợ béo", "béo là xấu". Giờ việc "béo phì" được ghi hẳn lên phiếu đánh giá học tập sẽ khiến trẻ mang tâm lý tiêu cực. Chưa kể sẽ có những trẻ bị bạn bè trêu chọc, trở nên tự ti, mặc cảm.
Có thể nhiều người cho rằng phản ảnh trên là "chuyện nhỏ", giáo dục còn bao chuyện lớn cần phải nghĩ, phải lo hơn. Nhưng trong giáo dục, nếu không kỹ càng, tinh tế và thấu đáo từ những chuyện nhỏ, không lắng nghe cảm xúc của trẻ, không tôn trọng trẻ thì những việc lớn cũng khó có thể làm tốt.
Chuyên gia Bộ GD-ĐT: Giáo viên sai nghiệp vụ
Một chuyên gia về giáo dục tiểu học ở Bộ GD-ĐT cho rằng trường hợp chị Thương nêu ở trên là giáo viên sai về nghiệp vụ. Vì trên phiếu đánh giá học tập, mục sức khỏe chỉ điền thông tin học sinh có sức khỏe để đáp ứng yêu cầu học tập hay không.
"Những thông tin mang tính bất biến như tên, ngày sinh, địa chỉ có thể phổ biến, nhưng các thông tin cá nhân chỉ mang tính thời điểm, lại nhạy cảm, mô tả hình dáng, chiều cao, cân nặng hay khiếm khuyết của học sinh thì hạn chế phổ biến. Cụ thể là chỉ nên trao đổi với phụ huynh. Phiếu ghi kết quả học tập của học sinh càng không được ghi như vậy", chuyên gia cho biết.
Tác giả: VĨNH HÀ
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ