Trong khám thai định kỳ, sản phụ 22 tuổi ở quận 6, TP.HCM được thông báo thai nhi bị dây rốn quấn cổ khiến cô lo lắng.
Khi thai nhi được 38 tuần tuổi, sản phụ đau bụng dữ dội nên tới bệnh viện phụ sản Hùng Vương kiểm tra.
Qua thăm khám bác sĩ thấy tử cung đã mở, nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ nên được chuyển lên khoa sản bệnh tiếp tục theo dõi.
Nữ hộ sinh Ngô Thị Thanh Kiều |
Sau 3 ngày nhập viện, lúc 21h45, nữ hộ sinh Ngô Thị Thanh Kiều đi kiểm tra bằng cách đo nhịp tim thai. Lúc này, nữ hộ sinh nhận thấy nhịp tim thai nhi chậm, chỉ đập 65 lần/phút (bình thường là 120 lần/phút), trong khi tim sản phụ đập khá nhanh.
Nhận thấy có điều bất thường, nữ hộ sinh nhanh chóng thông báo với ê-kíp trực và dùng xe đẩy đưa sản phụ lên phòng để bác sĩ Huỳnh Thiên Thảo kiểm tra chắc chắn hơn.
BS Thảo sau khi khám lại cũng nhận ra tim thai nhi đập chậm, liền kích hoạt báo động đỏ, nhanh chóng đưa sản phụ xuống phòng mổ khẩn cấp.
10 phút từ khi phát hiện bất thường, bé trai nặng 3kg đã được ê-kíp bác sĩ khoa sản bệnh mổ bắt ra ngoài thành công. Các bác sĩ bất ngờ khi thấy thai nhi bị dây rốn dài 80 cm quấn quanh cổ 4 vòng.
“Lúc ấy tình hình quá nguy cấp, chỉ cần chậm 1 phút thôi cũng ảnh hưởng tới tính mạng của đứa bé, hoặc có cứu được cũng sẽ khiến bé gặp nhiều nguy hiểm, vì dây rốn quấn cổ lâu sẽ làm bé thiếu oxy” - ThS BS Hồ Viết Thắng, trưởng kíp trực kiêm phẫu thuật viên chính ca mổ chia sẻ.
Theo BS Thắng, mọi thủ tục hành chính khi ấy được gạt qua 1 bên, tất cả làm sao để ca mổ tiến hành nhanh nhất. Tính từ lúc bắt đầu rạch bụng thai phụ tới khi bé trai được đưa ra ngoài trong 10 giây.
Sản phụ 22 tuổi hạnh phúc khi con trai bé bỏng thoát nạn |
Ngay khi được đưa ra ngoài, bé trai được đưa tới khoa nhi hồi sức với sự hỗ trợ từ máy thở. Do không thiếu oxy lâu nên sức khỏe bé tiến triển nhanh. 1 ngày sau sinh, bé đã được cai máy thở. Sức khỏe sản phụ cũng ổn định.
Theo các bác sĩ, dây rốn là sợi dây liên kết nối giữa mẹ và thai nhi, đây là đường cung cấp dinh dưỡng từ mẹ để nuôi sống bào thai. Chiều dài dây rốn trung bình 60 cm, những bé có dây rốn dài hơn, nguy cơ dây rốn quấn cổ cao hơn.
Dây rốn quấn cổ có thể xuất hiện trong quá trình thai nhi cử động, xoay trở trong bụng mẹ. Nếu dây rốn quấn cổ chặt sẽ chèn ép mạch máu và cản trở lưu thông máu gây suy thai.
Tác giả: Văn Đức
Nguồn tin: Báo VietNamNet