Sau khi Pháp luật Plus đăng tải những sai phạm của "Du thuyền" Giang Đình cổ độ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các Sở, ngành và địa phương liên quan kiểm tra, xử lý vấn đề Pháp luật Plus nêu về thực trạng “Du thuyền triệu đô” hoạt động không phép trên sông Lam. Dẫu đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn đó những vướng mắc, bật cập liên quan đến hoạt động thủy nội địa ở Hà Tĩnh, mà vấn đề giải quyết không thể trong ngày một ngày hai.
Đã có hành lang pháp lý cho “Du thuyền triệu đô”
Như Pháp luật Plus đã phản ánh trong loạt bài viết “Du thuyền triệu đô không phép” phản ánh rõ thực trạng tàu Giang Đình cổ độ của công ty cổ phần Song Ngư Sơn Giang Đình do ông Trần Quốc Lâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, dẫu chưa được phép hoạt động nhưng vẫn công khai vận tải hành khách, kinh doanh dịch vụ du lịch trên sông Lam.
Du thuyền Giang Đình cổ độ về đêm. |
Đây là nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hàng trăm sinh mạng hành khách. Điều đáng nói, dẫu cơ quan chức năng địa phương đã kiểm tra, lập biên bản đình chỉ hoạt động, nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp, vẫn cho tàu đón khách, ăn uống sinh hoạt trên tàu.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ngay lập tức yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra cụ thể những vấn đề báo nêu; xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh.
Mới đây nhất, trao đổi với Phóng viên Pháp luật Plus, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh cho biết, bước đầu hành lang pháp lý cho tàu Giang Đình cổ độ hoạt động hợp pháp đã được chủ đầu tư và cơ quan chức năng địa phương thực hiện.
Cụ thể, ngoài Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa đã được Cục đăng kiểm số 6 - Bộ GTVT cấp ngày 02/6/2017 thì ngày 22/9/2017 chủ đầu tư tàu Giang Đình cổ độ đã có hồ sơ đề nghị cấp biển hiệu phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch.
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu kiểm tra, xử lý vấn đề Pháp luật Plus đã phản ánh. |
Ngày 26/9, sau khi có ý kiến của Sở văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh, Sở GTVT Hà Tĩnh đã cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch cho tàu Giang Đình cổ độ.
Về điểm dừng đỗ cho phương tiện, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bước đầu cũng đã xác định 3 điểm đón trả khách cho tàu Giang Đình cổ độ, cụ thể: Bến Giang Đình Km13 +700; Bến thủy nội địa Xuân Giang Km15 + 200 và Bến Đền Củi Km 27 + 300.
Trong đó, bến Xuân Giang đã được UBND huyện Nghi Xuân cấp phép hoạt động, 2 bến còn lại đang trong quá trình thiết kế đầu tư, xây dựng, do chủ đầu tư tàu Giang Đình cổ độ đầu tư, quản lý khai thác sử dụng.
Do chưa có bến chính thức hợp pháp, chủ đầu tư tàu Giang Đình cổ độ đã có công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin sử dụng bến cát phía đông cầu Bến Thủy 1 để neo đậu tạm trong 6 tháng.
Trên tàu, còn có cả quầy Bar phục vụ ăn uống, sinh hoạt của du khách (ảnh facebook Giang Đình cổ độ). |
Tuy nhiên, điểm mà chủ đầu tư đề nghị không đảm bảo vệ khoảng cách an toàn với cầu Bến Thủy 1, nên cơ quan chức năng địa phương đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh cho công ty cổ phần Song Ngư Sơn Giang Đình được thuê phần diện tích mặt nước nằm cách cầu Bến Thủy về phía đông khoảng 200m để neo đậu tạm du thuyền trong thời gian xây dựng bến thủy nội địa Giang Đình.
Cần sớm khắc phục những bất cập.
Như vậy, việc tạo ra hành lang pháp lý cho “Du thuyền triệu đô” Giang Đình cổ độ hoạt động hợp pháp, dẫu muộn. Tuy nhiên, xem xét kỹ vẫn còn nhiều “chỗ hở” mà chính quyền Hà Tĩnh, cũng như các cơ quan chức năng địa phương cần làm rõ, tránh tình trạng “Vừa hành quân vừa xếp hàng”.
Về luồng tuyến đường thủy nội địa, đã được thực hiện đúng theo Thông tư 70/2014 của Bộ GTVT hay chưa? Vì sông Lam thuộc đường thủy nội địa quốc gia, mà việc điều chỉnh, phân luồng tuyến thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở đề nghị của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Trong lúc luồng, tuyến cho tàu Giang Đình cổ độ hoạt động, sẽ liên quan trực tiếp đến bến thủy nội địa, cụ thể là điểm dừng đỗ cho phương tiện.
Giang Đình cổ độ với sức chứa 340 khách, hiện đã có hành lang pháp lý ban đầu, dẫu còn nhiều bất cập. |
Cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương cho tàu Giang Đình cổ độ có 3 bến đón trả khách. Do đó, cần làm rõ việc chấp thuận cho chủ đầu tư Giang Đình cổ độ được xây dựng, quản lý 2 bến Giang Đình và Đền Củi có phù hợp với luồng tuyến được phép không?
Bến Xuân Giang do UBND xã Xuân Giang quản lý, khai thác sử dụng, do UBND huyện Nghi Xuân cấp phép hoạt động có đúng thẩm quyền không? Bởi theo quy định tại Thông tư 50/2014 của Bộ GTVT, thì UBND huyện không có thẩm quyền cấp phép bến thủy nội địa.
Về phạm vi hoạt động của phương tiện. Như đại diện Sở GTVT Hà Tĩnh thông tin, theo phương án của chủ đầu tư tàu Giang Đình cổ độ, thì phương tiện không được phép hoạt động ở cửa sông đổ ra biển, không được chạy ra đảo, chỉ hoạt động từ bến Giang Đình đến bến Đền Củi trên tuyến sông Lam.
Nhưng trên thực tế phóng viên ghi nhận, thì hiện tại tàu Giang Đình cổ độ đang hoạt động gần như ở cửa sông Lam đổ ra biển, bởi bến Giang Đình cách cửa sông không xa. Theo phản ánh của một số hành khách từng đi trên tàu, thì có lúc chủ tàu vẫn cho tàu chạy ra cửa sông theo yêu cầu của đoàn khách.
Mặt khác, trên tờ rơi quảng cáo dịch vụ của tàu Giang Đình cổ đổ, ngay trang đầu tiên là hình ảnh du thuyền và lời quảng cáo ra đảo rất hấp dẫn “Du lịch trải nghiệm Đảo Lan Châu Cửa Lò và Đền Ông Hoàng Mười bằng ca nô cao tốc và du thuyền 340 chỗ”.
Mặt khác, việc giao cho công ty cổ phần Song Ngư Sơn Giang Đình khảo sát vị trí neo đậu tạm, luồng vào nơi neo đậu để có phương án nạo vét, chỉnh trị luồng và bố trí thiết bị neo đậu, biển báo hiệu… cũng cần phải cân nhắc, bởi việc này tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến luồng, tuyến của các phương tiện thủy nội địa khác, cũng như thay đổi dòng chảy và vấn đề an toàn, an ninh đường thủy, phải được cơ quan chức năng có chuyên môn trực tiếp khảo sát, thực hiện mới đảm bảo theo luật định.
Tác giả: Trần Hoàng - Bùi Tiến
Nguồn tin: Pháp Luật Plus