Bị cáo Văn Hữu Chiến. Ảnh: Vietnamnet |
Báo Tiền Phong đưa tin, chiều 7/1, TAND TP Hà Nội lắng nghe phần tự bào chữa của các bị cáo trong vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” gây thiệt hại hơn 22.047 tỷ đồng xảy ra tại TP Đà Nẵng.
Tại đây, bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu Phó Chủ tịch, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã trình bày phần tự bào chữa của mình.
Trước đó, ông Chiến bị đề nghị tuyên phạt từ 18-20 năm tù về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Theo báo Người Lao Động, bị cáo Văn Hữu Chiến mong HĐXX xem xét thời điểm đó, UBND TP được giao nhiệm vụ rất nặng nề năm 2020 phải là TP công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trước áp lực như vậy, TP rất loay hoay làm sao để phát triển nhanh vào năm 2020 thành TP công nghiệp hoá.
"Năm 2004, 2005, TP đều quay lưng ra biển. Đến 2015 chưa thể thành phố hiện đại hoá nhưng đã thành TP phát triển, được nhiều hội nghị tầm quốc tế tổ chức tại đây như APEC. Thời điểm đó, mỗi m2 đất chỉ 1, 2 triệu đồng nhưng giờ đến vài trăm triệu đồng thì giám định viên lại áp dụng giá đó để tính thiệt hại cho chúng tôi" - nguyên chủ tịch TP Đà Nẵng nói.
Bị cáo Chiến cho biết thêm theo quy chế riêng của TP Đà Nẵng, bị cáo khi đó là phó chủ tịch được phân công một số công việc phụ trách. Về việc bán nhà, chuyển nhượng đất đều do Chủ tịch quyết định, bị cáo không được phân công.
“Trong thời gian này, việc bán nhà, sử dụng đất, giao dự án đều do Chủ tịch quyết định chứ tôi không quyết”, bị cáo Chiến nói, theo báo Giao thông.
Bị cáo Chiến cho rằng, Viện Kiểm sát quy kết ông không đúng về tội danh, không khách quan, không đúng bản chất vì lúc đó ông là Phó Chủ tịch chỉ giúp việc. “Thậm chí tôi chưa ký văn bản thì cấp dưới, người mua nhà đã thực hiện rồi”, ông Chiến khẳng định.
Về việc bồi thường thiệt hại, ông Chiến cho rằng mình không gây ra thiệt hại nào. Về Dự án liên quan đến khu đất 29ha, ông Chiến không được tham gia đàm phán từ đầu mà từ năm 2006 – 2008, chủ trương này đã nhất quán.
Theo ông Chiến, khi đó, Chủ tịch UBND TP khẳng định, đất này không sạch và giao cho công ty 79 thực hiện dự án liên doanh với nước ngoài theo thỏa thuận nguyên tắc ban đầu. Trên căn cứ của cơ quan chức năng, bị cáo ký để hoàn thiện hồ sơ.
Vẫn lời ông Chiến, việc chỉ đạo các cơ quan cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội là không đúng. Trong thời kỳ làm Phó Chủ tịch, ông không có chỉ đạo nào, điều này thể hiện rõ trong hồ sơ. Với cáo buộc đồng phạm, giúp sức cho Trần Văn Minh phạm tội, bị cáo Chiến cho hay, bản thân ông thấy không đúng với bản chất bởi các đơn thư ban đầu không đến chỗ tôi mà đến chỗ Chủ tịch.
“Tôi không ký tắt, ký ngang, bút phê gì cả và không làm việc gì sai nguyên tắc. Tôi và anh Minh không bàn bạc, thảo luận. Anh Minh không chỉ đạo tôi làm việc này, việc kia. Những việc như thế anh Minh đã quyết định tôi không có ý kiến. Tôi làm theo phiếu trình lên của cơ quan tham mưu”, bị cáo Chiến nói, theo Dân Trí.
Báo Tiền Phong cho biết, về dự án số 16 Bạch Đằng, bị cáo Chiến nói khu đất được giao cho Vũ khi ông lên làm Chủ tịch UBND và đã quyết định đấu giá nhưng có văn bản 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an xin nhà 16 Bạch Đằng để phát triển tiềm lực công an.
Ông Chiến phân trần: “Tôi phân vân, chuyển cho các cấp họp... và sau đó Sở TN&MT có báo cáo đề nghị cho thuê 50 năm, trả tiền một lần. Tôi có xin ý kiến của Bí thư, Chủ tịch HĐND cũng đồng ý. Tôi đưa ra giao ban, bàn thảo để cân nhắc Luật Đất đai và Luật Công an nhân dân. Luật công an quy định mọi tổ chức, cá nhân đều phải giúp lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ.
Lúc đó, tôi là Chủ tịch, tôi nghĩ không nên đặt các vấn đề khác lên trên lợi ích an ninh quốc gia... Đồng chí Bộ trưởng đề nghị chuyển nhượng cho Cty bình phong của công an nhưng chúng tôi chỉ cho thuê. Còn quyết định giá, làm giá thế nào thì đồng chí Chủ tịch kế nhiệm tôi quyết định, tôi không biết”.
Theo báo Giao Thông, mẹ ông Chiến cũng từng nuôi bộ đội. Bản thân ông Chiến được Đảng, Nhà nước nuôi từ nhỏ, sau đó được cử đi học ở Liên Xô rồi về công tác trong ngành cầu đường.
“Nếu biết bị quy kết những hành vi sai trái như ngày hôm nay thì tôi đã không làm Phó Chủ tịch rồi”, bị cáo Chiến nói.
Cuối cùng bị cáo Chiến mong HĐXX xem xét những cống hiến, xem xét tội tôi có đến như thế không. “Nghe bản án sáng nay mà tôi hoảng loạn, bàng hoàng luôn, không nghĩ đến mức án như vậy”, cựu Chủ tịch Đà Nẵng cho hay.
Tác giả: Mộc Miên (T/h)
Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật