Trong một bài viết trên tạp chí National Interest ngày 10/6, hai tác giả Brad Glosserman và Denny Roy chỉ ra rằng, hầu hết giới quan sát tin các đòn thuế đơn phương mà Washington sử dụng sẽ không thể giúp nước này đạt được các mục tiêu đã định, thậm chí còn gây hại cho nền kinh tế Mỹ chẳng kém gì so với Trung Quốc. Hơn thế nữa, nó có thể có tác động dài kỳ, củng cố lòng tin của Bắc Kinh rằng cường quốc châu Á sẽ chiến thắng trong mọi cuộc thử thách ý chí giữa hai bên trong tương lai.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: National Interest) |
Trong thảo luận công khai về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, Tổng thống Donald Trump xoáy sâu vào thặng dư khổng lồ của Trung Quốc trong thương mại song phương – 419 tỷ USD năm 2018 – như bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang "lừa dối" và "cưỡng bức" nền kinh tế Mỹ.
Nhiều ý kiến nhận định Tổng thống Trump sai lầm khi coi cán cân thương mại là vấn đề chính trong quan hệ kinh tế song phương. Các cố vấn cấp cao của ông như Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer lập luận mục tiêu lớn hơn là buộc Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề về cấu trúc, chẳng hạn chủ nghĩa bảo hộ, do thám, đánh cắp tài sản trí tuệ và buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ thì mới cho vào Trung Quốc làm ăn. Cách tiếp cận này nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp không chỉ ở Mỹ mà cả những nước khác.
Để xử lý vấn đề bất cân bằng thương mại, thời gian qua, Mỹ đã đánh thuế vào ba "danh sách" hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Trước tiên là vào 34 tỷ USD các mặt hàng nhập hàng năm, kế đến là 16 tỷ USD, và tiếp thêm 200 tỷ USD nữa. Khi tranh chấp kéo dài, thuế suất của Mỹ đã tăng thêm và giờ đây ông Trump dọa sẽ xử gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt của riêng mình, tuyên bố tăng thuế từ 10% lên 20-25% đối với khoảng 60 tỷ USD hàng Mỹ.
Tổng thống Trump tuyên bố ông tin một cuộc chiến thương mại là "tốt và dễ dàng giành chiến thắng". Nhưng hầu hết các chuyên gia không nghĩ như vậy. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kết luận người tiêu dùng của cả Trung Quốc và Mỹ đều phải chịu thiệt, còn Viện Kinh tế quốc tế Peterson ước tính các mức thuế hiện thời đánh vào hàng Trung Quốc sẽ ngốn của mỗi gia đình Mỹ khoảng 550USD, và con số này sẽ tăng lên 2.200USD nếu mức thuế là 25% đánh vào 500 tỷ USD hàng Trung Quốc như ông Trump đe dọa.
Một dấu hiệu rõ ràng về sự tác động ở Mỹ là chính quyền Trump đã chi hơn 8,5 tỷ USD hỗ trợ cho các nông dân chịu thiệt do thương chiến, và cam kết sẽ viện trợ thêm nhiều tỷ đôla nữa.
Goldman Sachs cho rằng, chiến tranh thương mại leo thang sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ mất 0,4%, thậm chí giảm nữa nếu nó tác động đến thị trường chứng khoán. Phòng Thương mại Mỹ nêu con số thiệt hại là 1 nghìn tỷ USD nếu thương chiến tiếp tục trong một thập niên.
Trung Quốc tất nhiên cũng chịu thương tổn. Giá thực phẩm đã tăng nhanh từ khi thương chiến bắt đầu. Có bằng chứng cho thấy người lao động đang mất việc làm và chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh. Theo mô phỏng của Viện Phát triển Các nền kinh tế Nhật, trong một cuộc chiến thương mại kéo dài 3 năm và bao gồm mức thuế 25% đánh vào mọi hàng hóa nhập từ nhau, kinh tế Mỹ sẽ mất 0,4% tăng trưởng còn Trung Quốc mất lớn hơn, ở mức 0,6%.
Theo hai tác giả Brad Glosserman và Denny Roy, trái với tuyên bố của ông Trump, sẽ không hề dễ dàng buộc Trung Quốc phải từ bỏ các chính sách đầu tư và thương mại mà Mỹ cho là bất công bằng cách đánh thuế; thực tế, sẽ vô cùng khó làm được điều đó.
Đáp ứng các yêu sách của Mỹ về thay đổi cấu trúc đồng nghĩa với nhượng bộ một số đòn bẩy chủ chốt. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình chắc chắn quan tâm đến việc giữ gìn hình ảnh của bản thân như người bảo vệ các lợi ích và danh dự của Trung Quốc trong một cuộc chiến mà hầu hết dân chúng nước này tin là các yêu sách của Mỹ là bất công, và chứng tỏ Mỹ không muốn chấp nhận sự thành công của Trung Quốc.
Hiện tại, Bắc Kinh đang huy động sự đồng lòng "kháng chiến" mạnh mẽ. Trung Quốc giảm nhẹ tác động của cuộc thương chiến và triển khai nhiều hành động khác. Ngân hàng Trung ương cắt giảm yêu cầu dự trữ ngân hàng. Bắc Kinh cũng lập ra một nhóm chuyên trách theo dõi tình trạng mất việc làm do thương chiến.
Bộ Thương mại thông báo đang lên "danh sách thực thể không đáng tin" gây hại cho các hãng của Trung Quốc hoặc tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Đe dọa cắt giảm xuất khẩu các loại đất hiếm cũng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình hình nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc thì than phiền họ bị chính quyền địa phương gây khó dễ.
Trong khi Tổng thống Trump ra sức trấn an công luận Mỹ thì chính quyền Bắc Kinh lên dây cót cho người dân Trung Quốc về viễn cảnh khó khăn và kêu gọi cần đấu tranh chống lại Mỹ. Những lời của Thứ trưởng Ngoại giao Trương Hán Huy có tác động mạnh khi ông mô tả hành động của Mỹ là "bắt nạt và khủng bố kinh tế trắng trợn".
Góp phần đáng kể, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc trình chiếu các bộ phim yêu nước về cuộc chiến Triều Tiên, khi Trung Quốc "đánh bại" những kẻ xâm lược Mỹ. Một bài xã luận trên hãng tin Tân Hoa gợi nhắc độc giả rằng "người Trung Quốc có tinh thần đấu tranh cao cả. Lịch sử đã chứng minh hoàn cảnh khó khăn càng khiến người Trung Quốc nâng cao quyết tâm chiến đấu và mài giũa năng lực để giành chiến thắng…". Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có thể sẽ sử dụng chính mục tiêu tái cử của ông Donald Trump trong năm 2020 để lôi kéo ông vào một thỏa thuận ít thiệt hại hơn cho nước này.
Như vậy, Tổng thống Trump có thể đã đúng khi đối đầu với thực tiễn kinh tế mang tính hệ thống của Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận mà ông đã chọn có rất ít cơ hội thành công thực sự. Thậm chí, Bắc Kinh có thể vươn lên từ trải nghiệm này, và chứng tỏ Mỹ không thể chống lại các lợi ích của Trung Quốc vì sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của thị trường đông dân nhất thế giới còn người Mỹ không thể chịu được khó khăn dù chỉ ngắn hạn.
Viễn cảnh đó có thể củng cố quan điểm của Trung Quốc xem Mỹ là một quốc gia đang suy yếu và rối loạn chức năng. Ngoài ra, nó càng khiến cho Bắc Kinh táo bạo hơn khi thách thức Washington trong một loạt các vấn đề.
Tia hy vọng thực sự duy nhất về sự thành công của Mỹ là điều chỉnh chính sách, nhưng điều này mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tiễn. Washington phải từ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương chống lại Trung Quốc, thay vào đó tập trung xây dựng một liên minh đa phương nhằm ngăn chặn các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc. Chỉ có một mặt trận thống nhất gồm các quốc gia thương mại lớn mới có thể làm thay đổi hành vi của Trung Quốc, nhưng đây vẫn là một cú sút xa.
Hai tác giả bài viết cho rằng, chính quyền Trump sẽ phải từ bỏ các cuộc tấn công sai lầm nhằm vào các đối tác lớn như Liên minh châu Âu, Nhật, Mexico và Canada. Họ cũng sẽ phải viện đến ngoại giao đa phương và có niềm tin vào các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Máy bay Ấn Độ nổ lốp khi hạ cánh khẩn
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet