Theo nội dung tin nhắn, ông Trường nhận lời “giúp đỡ” doanh nghiệp nhưng không thực hiện như đã hứa, phía doanh nghiệp đòi lại số tiền đã đưa cho ông Trường.
“Chiều nay anh đưa cho em chứ em không lên lấy nữa đâu, tổng em đưa cho anh bảy lần, 4 lần nhớ chính xác là 200 triệu và 10 ngàn đô, còn 3 lần nữa em không nhớ vì sáng nay em không cầm sổ, để em hỏi lại cậu thư ký hay đi cùng, anh thích trả cho em bao nhiêu thì trả, em phải vay lãi 1 triệu/10 nghìn ngày đó anh ạ”, một phần nội dung tin nhắn từ số điện thoại 0913…38 mà sau đó ông Trường xác nhận đó là số điện thoại của mình.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí ngay sau đó, ông Trường mặc dù xác nhận đó là số điện thoại của mình, nhưng lại phủ nhận việc nhận tiền từ doanh nghiệp.
“Tôi nói với anh tôi và chị H. (nữ doanh nhân gửi tin nhắn đòi tiền - PV) là hai cá nhân với nhau, chẳng liên quan đến thực thể nào cả. H. chỉ là đứa môi giới dự án. Tôi hoàn toàn trong sáng, chưa bao giờ tôi có câu chuyện gì. Tôi với H. có trao đổi với nhau vì H. là người Nam Đàn quê tôi. Tôi chưa bao giờ nặng lời với nó mà thường xuyên khuyên bảo nó”. Đó là nội dung trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Hồng Trường với phóng viên báo Bảo vệ pháp luật.
Ông Nguyễn Hồng Trường trong một lần đi kiểm tra dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ tháng 11/2014. |
Trước đó, một số tờ báo có đăng tải thông tin việc Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường có "bút phê" với nội dung “không bình thường” vào đơn xin tham gia thực hiện các gói thầu thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) của Công ty Đầu tư T…H.
Một số tờ báo mạng cũng đăng tải thông tin cho rằng, chủ một doanh nghiệp tư nhân có nhắn tin qua lại với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường để xin lại “phong bì mấy lần đưa cho Thứ trưởng Trường”.
Bộ GTVT khi đó đã phát đi thông cáo: “Bút phê của lãnh đạo Bộ chỉ là thông tin chuyển văn bản cho các cơ quan, đơn vị; tuyệt đối không phải là căn cứ để ưu tiên trong việc xét thầu, chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn… hoặc giải quyết các công việc liên quan khác”.
Ông Nguyễn Hồng Trường (bên phải) tại lễ phát lệnh khởi công hai cầu Tràng Thưa và Cống Neo (Hải Dương) năm 2015. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015, ông Đinh La Thăng, khi đó là Bộ trưởng Bộ GTVT còn khẳng định Bộ đã đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ việc này sau khi ông Trường cho rằng việc báo chí đăng tin nhắn tiền bạc của ông với nữ doanh nhân là “sai sự thật”.
Nói về bút phê “lạ” của cấp dưới, ông Thăng cho rằng, “việc văn bản của các cơ quan, các doanh nghiệp gửi đến Bộ trưởng hay Thứ trưởng thì có bút phê giao nhiệm vụ cho đơn vị cụ thể để xử lý văn bản, đây là việc làm bình thường như tất cả các cơ quan khác. Nghĩa là văn bản gửi đến thì phải có bút phê giao nhiệm vụ.
Trong văn bản đó có bút phê của Giám đốc Ban quản lý 3. Tức là khi công văn đến thì ông Nguyễn Hồng Trường kính chuyển Ban quản lý 3 (Tổng cục đường bộ) xử lý, sau đó Giám đốc Ban quản lý 3 có ghi là chuyển phòng quản lý dự án 1 xử lý. Chỉ có thế thôi”.
Về vấn đề tin nhắn, Đinh La Thăng nói ông Trường cũng đã có báo cáo với ban cán sự Đảng Bộ GTVT là các báo đưa về tin nhắn sai sự thật.
“Căn cứ vào báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Bộ đã báo cáo Ban Bí thư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có đề nghị Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an điều tra làm rõ, xử lý theo đúng quy định pháp luật,” ông Thăng nói.
Tuy nhiên sau đó, cũng không có bất cứ thông tin nào từ cơ quan chức năng nói rõ về việc Bộ GTVT cho rằng thông tin báo chí nêu là sai sự thật cả!
Ngày 16/7/2019, Ban Bí thư họp xem xét, những sai phạm của ông Nguyễn Hồng Trường trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, ông Trường chịu trách nhiệm cá nhân về ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa,… không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp; đồng ý cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thực hiện một số hoạt động không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2013 và các quy định của Chính phủ; thiếu kiểm tra, để các doanh nghiệp được phân công phụ trách vi phạm, khuyết điểm gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Ban Bí thư xác định vi phạm, khuyết điểm của ông Trường là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành Giao thông vận tải và cá nhân ông Trường.
Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/12/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm và quá trình công tác, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021.
Ban Bí thư yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính đối với nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đồng bộ với xử lý kỷ luật về Đảng.
Trước năm 2007, ông Nguyễn Hồng Trường được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.
Đến Tháng 4 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Và ông được nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/8/2017.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Infonet