Thế giới

Ông Kim Jong Un giữa 2 lựa chọn

Đại dịch bùng phát quy mô lớn ở Triều Tiên đặt ra 2 lựa chọn giải pháp cho ông Kim Jong Un: Đón nhận hỗ trợ từ nước ngoài hoặc tiếp tục chính sách tự lực.

Trong hơn một thập niên lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã “tự lực cánh sinh”, từ chối viện trợ quốc tế và cố gắng thực hiện chiến lược nội địa để khắc phục nền kinh tế gặp khó khăn.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 đang bùng phát tại Triều Tiên và ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người, AP nhận định ông Kim đang đứng trước 2 lựa chọn khó: Nhận sự trợ giúp quốc tế, hoặc tiếp tục tự khắc phục khủng hoảng. “Ông Kim Jong Un thực sự đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan”, Lim Eul-chul - giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam ở Seoul - nói.

Vai trò "trung tâm và mũi nhọn"

Triều Tiên báo cáo thêm 232.000 người có triệu chứng sốt trên toàn quốc và 6 trường hợp tử vong tính đến 18h ngày 17/5. Tổng số "ca sốt" hiện nay vượt mốc 1,72 triệu ca, trong đó hơn 1,02 triệu người đã hồi phục hoàn toàn và ít nhất 691.170 người đang được điều trị.

Hiện gần 3.000 quân y đang tham gia vào "hệ thống phục vụ 24 giờ để phân phối và cung cấp thuốc".

KCNA không nêu rõ có tổng bao nhiêu ca mắc và ca tử vong dương tính với Covid-19. Các chuyên gia cho rằng đợt bùng phát có thể tồi tệ hơn gấp nhiều lần số liệu trên. Một số nhà quan sát cho rằng con số tử vong đã nêu là thấp đối với một quốc gia gần như chưa tiêm chủng cho 26 triệu dân và thuốc men thiếu hụt.

Trong cuộc họp với Bộ chính trị vào ngày 17/5, ông Kim Jong Un chỉ trích "sự non kém về năng lực nhà nước khi đối phó với khủng hoảng bộc lộ ngay từ giai đoạn đầu chống dịch, trong đợt dịch đầu tiên mà Triều Tiên phải đối mặt kể từ khi xây dựng nhà nước”.

Ông Kim Jong Un chủ trì cuộc họp Bộ chính trị đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng hôm 17/5. Ảnh: KCNA.

Ông cũng không bằng lòng với “thái độ không tích cực, buông thả và không hiệu quả của các quan chức nhà nước, cho thấy toàn bộ những điểm yếu và khoảng trống trong công việc", theo KCNA. Ông kêu gọi "nỗ lực gấp đôi" để ổn định cuộc sống của người dân và nhấn mạnh cần phải "tổ chức chặt chẽ hơn để đảm bảo điều kiện sống và đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày".

Sau đó, ông Kim hứa sẽ "khơi dậy tinh thần toàn đảng như ngọn núi lửa đang hoạt động" để chống lại sự lây lan của virus.

Kể từ khi công bố dịch bùng phát, chuyên gia cho rằng ông Kim đã đặt chính mình ở vị trí "trung tâm và mũi nhọn" trong nỗ lực ứng phó Covid-19 của đất nước. Ông liên tục chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Triều Tiên, thẳng thắn thừa nhận về cuộc khủng hoảng Covid-19.

KCNA cho hay các loại thuốc do gia đình ông Kim quyên góp đã được phân phát cho người dân ở tỉnh Nam Hwanghae. AFP cho rằng điều này nhằm làm nổi bật vai trò cá nhân của ông trong việc chống lại dịch bệnh bùng phát.

Thế khó khăn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) "lo ngại sâu sắc về nguy cơ lây lan hơn nữa của Covid-19 trong nước (ở Triều Tiên), đặc biệt là do dân số không được tiêm chủng, một nhóm người có bệnh nền khiến họ có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong", Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, AFP đưa tin hôm 18/5.

Sự bùng phát dịch của Triều Tiên có thể liên quan đến cuộc diễu binh lớn ở Bình Nhưỡng vào cuối tháng 4. Cuộc diễu binh đã thu hút hàng chục nghìn binh sĩ và người dân từ khắp nơi trên cả nước. Những người tham gia diễu hành đều không đeo khẩu trang.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng một nhà ăn trong cơ sở sản xuất thiết bị vệ sinh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó việc Triều Tiên tăng cường các quy định hạn chế di chuyển và kiểm dịch có thể ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp. Nền kinh tế của nước này đã gặp khó khăn sau hơn hai năm đóng cửa biên giới.

Yang Moo-jin - giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul - cho biết Triều Tiên cũng lo lắng về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp y tế, thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày.

Triều Tiên trước đó đã từ chối hàng triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX. Sau khi Triều Tiên thừa nhận bùng phát dịch bệnh, Hàn Quốc và Trung Quốc đề nghị gửi vaccine, thuốc men và các vật tư y tế khác. Mỹ nói ủng hộ các nỗ lực viện trợ quốc tế, nhưng hiện tại chưa có kế hoạch chia sẻ nguồn cung với Triều Tiên.

Mới đây, chính phủ Hàn Quốc ngày 18/5 cho biết Triều Tiên đã từ chối đề nghị trợ giúp của Seoul.

Ông Kim đã nhiều lần ca ngợi đất nước là "bất khả xâm phạm" trước đại dịch trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, tuần trước, ông thừa nhận Triều Tiên phải đối mặt với "biến động lớn" và các quan chức phải nghiên cứu cách Trung Quốc và các quốc gia khác đối phó đại dịch.

Triều Tiên cần hỗ trợ gì nhất?

Giáo sư Nam cho biết ông Kim có khả năng sẽ nhận viện trợ từ Trung Quốc, và từ chối Hàn Quốc, Mỹ hay COVAX. “Vượt qua 'biến động lớn' với sự giúp đỡ từ nước Triều Tiên gọi là ‘đế quốc’ Mỹ và từ Hàn Quốc là không được”, ông nói.

Và Triều Tiên sẽ chỉ chấp nhận viện trợ của Trung Quốc nếu được thực hiện một cách không chính thức, không công khai, theo nhà phân tích Seo Yu-Seok tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên có trụ sở tại Seoul.

Hãng thông tấn Yonhap hôm 17/5 đưa tin Triều Tiên đã điều máy bay tới Trung Quốc để vận chuyển trang thiết bị y tế, vài ngày sau khi xác nhận đợt bùng dịch Covid-19 đầu tiên. Đây là những chuyến bay quốc tế đầu tiên của nước này trong hơn 2 năm qua. Dù vậy, truyền thông Hàn Quốc không đưa thông tin chi tiết.

Dược sĩ thuộc Văn phòng Quản lý Thuốc men của quận Daesong ở Bình Nhưỡng cung cấp thuốc cho một người dân hôm 16/5. Ảnh: AP.

Nhưng Cho Han Bum - nhà phân tích tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc - cho biết Triều Tiên có thể tìm đến Hàn Quốc để nhận hỗ trợ thêm về vaccine. Ông cho rằng các chuyến hàng của Hàn Quốc qua biên giới đất liền Triều Tiên cũng sẽ nhanh hơn.

Các chuyên gia đang tranh luận về những gì Triều Tiên cần hỗ trợ nhất. Một số người kêu gọi gửi 60-70 triệu liều vaccine, trong khi một số khác nói đã quá muộn để gửi khối lượng lớn như vậy và Triều Tiên cần thêm thuốc hạ sốt, bộ xét nghiệm, khẩu trang và các vật dụng khác.

Vì việc ngăn chặn virus lây lan trên toàn bộ dân số chưa được tiêm chủng là không thực tế, nên cung cấp vaccine là để giảm tử vong ở các nhóm nguy cơ cao, theo Jung Jae-hun - giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Gachon của Hàn Quốc.

“Ứng phó Covid-19 đòi hòi hệ thống toàn diện của quốc gia, bao gồm năng lực xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng", ông Jung nói. “Không thể giải quyết vấn đề nếu thế giới chỉ trợ giúp một hoặc hai yếu tố”.

Tác giả: Phương Linh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP