Thế giới

Triều Tiên ban bố biện pháp khẩn chống COVID-19, ông Kim Jong Un tuyên bố về thảm họa lớn

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết, sự lây lan của COVID-19 đã đẩy Triều Tiên vào "tình trạng bất ổn", đồng thời gọi đây là một "thảm họa lớn".

Triều Tiên ban bố biện pháp khẩn cấp chống COVID-19

Theo hãng tin Reuters, Triều Tiên ngày 15/5 thông báo đã ghi nhận thêm 296.180 người có triệu chứng sốt và thêm 15 người tử vong (nâng tổng số ca tử vong lên 42 ca) trong bối cảnh nước này vừa bước sang ngày thứ 4 áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặt đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên.

Hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết, hiện Triều Tiên đang tiến hành "các biện pháp khẩn cấp" để kiểm soát dịch bệnh.

"Tất cả các tỉnh, thành phố và quận huyện trên cả nước đã được phong tỏa hoàn toàn. Các đơn vị sản xuất và các khu dân cư đã được cách ly từ sáng 12/5. Quy trình kiểm tra nghiêm ngặt và chuyên sâu đối với toàn bộ các công dân đang được thực hiện" - Bản tin của KCNA cho hay.

Triều Tiên đã áp đặt lệnh đóng cửa trên toàn quốc vào ngày 12/5 sau khi xác nhận ca tử vong do COVID-19 đầu tiên. (Ảnh: AP)

Trước đó, ngày 12/5, Triều Tiên đã thông báo ghi nhận ca đầu tiên của nước này nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và tuyên bố triển khai hệ thống kiểm soát virus "khẩn cấp tối đa".

Các cơ quan y tế của Triều Tiên đã thiết lập thêm nhiều chốt chống dịch và khẩn trương chuyển vật tư y tế đến các bệnh viện, phòng khám. Các quan chức cấp cao cũng tình nguyện đóng góp nhiều loại thuốc dự phòng.

Báo cáo của KCNA cho biết, "một phần lớn" các trường hợp tử vong của Triều Tiên là do người dân "thiếu kiến thức và hiểu biết về căn bệnh truyền nhiễm bởi biến thể Omicron và phương pháp điều trị đúng đắn, dẫn tới việc bất cẩn khi dùng thuốc".

Ông Kim Jong Un: COVID-19 là "thảm họa lớn" với Triều Tiên

Theo tờ Guardian, các báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được đưa ra tại cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên sáng 14/5.

Trong cuộc họp này, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết, sự lây lan của COVID-19 đã đẩy Triều Tiên vào "tình trạng bất ổn", đồng thời gọi đây là một "thảm họa lớn". Tuy nhiên, ông Kim cũng nhấn mạnh rằng tình hình "không phải không thể kiểm soát".

Ông Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị ngày 14.5. Ảnh: KCNA

Theo nhà lãnh đạo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là do sự yếu kém và thiếu trách nhiệm trong cách chống dịch của các cơ quan chính phủ, cần phải nỗ lực khắc phục để có thể kiểm soát dịch trong thời gian ngắn nhất.

Ông Kim đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Triều Tiên dồn tổng lực để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, đồng thời nói rằng giới chức nước này có thể học hỏi các kinh nghiệm chống dịch từ những quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc.

"Chúng ta nên rút ra các bài học từ những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được trong việc ngăn chặn virus mà Trung Quốc và người dân của họ đã áp dụng" - ông Kim nói.

Nga, Hàn Quốc đề nghị hỗ trợ vaccine cho Triều Tiên

Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 13/5 đã đề nghị gửi vaccine COVID-19, cùng các vật tư y tế khác để hỗ trợ Triều Tiên ứng phó đại dịch. Ông Yoon cho biết, Hàn Quốc sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với phía Triều Tiên về thông tin chi tiết.

Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng thông báo, Nga sẽ nhanh chóng xử lý bất cứ yêu cầu viện trợ vaccine nào từ phía Triều Tiên.

"Các đồng chí Triều Tiên đã hiểu rõ hoạt động tiêm chủng, cũng như kinh nghiệm ứng phó với Covid-19 của Nga. Nếu Bình Nhưỡng đưa ra bất kỳ yêu cầu viện trợ vaccine nào, chúng tôi sẽ xử lý nhanh chóng" - Ông Peskov cho hay.

Người dân Triều Tiên đeo khẩu trang trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Kyodo News chụp ngày 30/3/2020

Trong khi đó, Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ chưa có kế hoạch chia sẻ vaccine COVID-19 với Triều Tiên. Bà Psaki đồng thời nhấn mạnh rằng Triều Tiên đã nhiều lần từ chối hỗ trợ từ COVAX - chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu.

Bình Nhưỡng từng từ chối gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và gần 3 triệu liều vaccine Sinovac từ COVAX. Thay vào đó, chính quyền ông Kim Jong Un lựa chọn đóng cửa biên giới và duy trì các hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch theo cách riêng.

Tuy nhiên, ông Kim Sin-gon, giáo sư tại Đại học Y khoa Seoul, Hàn Quốc cho rằng, nếu lần này không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, Triều Tiên sẽ gặp phải thách thức rất lớn do tỷ lệ tiêm chủng của nước này đang bằng 0 và không có thuốc điều trị COVID-19.

Tại nhiều nước tiên tiến, các ca nhiễm biến thể Omicron có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các biến thể khác của SARS-CoV-2 nhưng chủ yếu là do người dân ở các nước đó đã được tiêm chủng, sử dụng thuốc kháng virus COVID-19, được điều trị hiệu quả tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt và đã từng phơi nhiễm với các biến chủng khác của virus này trước đó.

Thế nhưng, hiện không có yếu tố nào kể trên tương ứng với trường hợp của Triều Tiên.

"Tỷ lệ tử vong đối với các ca nhiễm biến thể Omicron ở Hàn Quốc là 0,1%, nhưng con số đó sẽ cao hơn đáng kể ở Triều Tiên, thậm chí có thể lên tới 1%, mặc dù rất khó để đưa ra dự đoán chính xác vào thời điểm này" - Giáo sư y tế dự phòng Jung Jae-hun tại Đại học Gachon của Hàn Quốc cho hay.

Do vẫn đang có ít thông tin được công bố nên giới chuyên gia cho biết họ vẫn chưa thể đánh giá chi tiết đợt dịch ở Triều Tiên sẽ phát triển như thế nào.

Hãng tin ABC News (Australia) dẫn lời ông Ahn Kyung-su, người đứng đầu DPRKHEALTH.ORG - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu các vấn đề y tế liên quan đến Triều Tiên - dự đoán, mặc dù Triều Tiên khó có thể tránh được nguy cơ lây nhiễm hàng loạt nhưng vẫn có khả năng nước này sẽ tránh được "một thảm họa" tương tự như thảm họa từng khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng trong nạn đói giữa những năm 1990.

Tác giả: Vy Lam

Nguồn tin: ttvn.toquoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP