Kinh tế

Ôm hận vì đu đỉnh sốt đất, lộ diện loạt đại gia ôm nợ thuế lớn

Đu đỉnh sốt đất, nhà đầu tư "sống dở chết dở" khi thị trường hạ nhiệt; Loạt chủ đầu tư tại TPHCM nợ thuế hàng trăm tỷ đồng... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.


Đu đỉnh sốt đất, nhà đầu tư "sống dở chết dở" khi thị trường hạ nhiệt

Khi "sốt đất" qua đi, nhiều nhà đầu tư "ăn theo" độ "nóng" của thị trường, sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư buộc phải bán tháo, thoát hàng nhanh giữa vòng xoáy giảm nhiệt của thị trường nhà, đất. Kịch bản "chết trên đống tài sản" sẽ thành hiện thực khi đầu cơ đất đai lên cao và các nguồn cấp vốn "khóa van" tín dụng.

Lâm cảnh "sống dở, chết dở" vì đất, anh Nguyễn Văn Hân (Hà Nội) chia sẻ, đầu năm 2020, anh có mua 2 lô đất ở huyện Thạch Thất với giá hơn 3 tỷ đồng, nhưng trong đó có 2 tỷ đồng là vay ngân hàng và bạn bè. Tuy nhiên, đến nay, cả 2 lô đất của anh đều chưa bán được dù đã về giá ban đầu và chấp nhận mất tiền lãi vay.

"Tôi mua lúc thị trường đang "sốt đỉnh" và giờ bán không được, giữ không xong. Bán rẻ thì lỗ nhiều, nhưng giữ thì sợ tài chính không trụ nổi, chưa kể, không biết bao giờ mới bán được", anh Hân buồn bã nói.

Tương tự, theo ghi nhận của Dân trí, khi thị trường hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư mua đất ở các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa… đang phải liên tục giảm giá bán để "thoát hàng" được sớm. Đây đa số là những nhà đầu tư mới, ít kiến thức vào thị trường và đầu tư theo đám đông.

Nhiều nhà đầu tư phải rao bán "cắt lỗ" đất khi thị trường hạ nhiệt do áp lực tài chính (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Loạt chủ đầu tư tại TPHCM nợ thuế hàng trăm tỷ đồng

Theo thông tin được Cục Thuế TPHCM công khai vừa qua, hiện có 30 tổ chức, cá nhân nợ thuế tổng cộng hơn 1.900 tỷ đồng đến ngày 31/3. Trong đó, đặc biệt có 4 doanh nghiệp nợ thuế rất lớn với số tiền tổng cộng lên tới hơn 1.400 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp có số nợ thuế hàng trăm tỷ đồng gồm Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) với số tiền 404 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (352 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn (339 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đức Khải (334 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) tiền thân là Ban quản lý công trình nhà ở, được cổ phần hóa từ năm 2015 theo quyết định của UBND TPHCM. Công ty này là chủ đầu tư nhiều dự án lớn tại TPHCM như Khu dân cư Bình Trưng (TP Thủ Đức), Khu dân cư Bình Trị Đông (Bình Chánh), Khu đô thị mới An Phú - An Khánh (TP Thủ Đức), Khu dân cư An Sương (quận 12).

Còn Công ty cổ phần Đức Khải cũng là một chủ đầu tư với nhiều dự án đã hoàn thành ở TPHCM như khu dân cư The Era Town (quận 7), khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức).

Hiện có 30 tổ chức, cá nhân nợ thuế tổng cộng hơn 1.900 tỷ đồng đến ngày 31/3 (Ảnh: MH).

Cận cảnh "rừng bê tông" ở khu du lịch Tam Đảo

Thị trấn Tam Đảo với diện tích tự nhiên hơn 200 ha, được quy hoạch làm trung tâm đô thị nghỉ dưỡng của tỉnh Vĩnh Phúc. Tam Đảo với nhiều tiềm năng, thế mạnh đột phá, hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch - lịch sử, văn hóa, tâm linh, mạo hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng… là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Những năm qua, Tam Đảo đã có những phát triển nhanh, bởi sự quan tâm của tỉnh và tham gia đầu tư lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp. Không còn buồn tẻ, đơn điệu như trước, khu thị trấn đã mọc lên nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, khu vui chơi, giải trí, tham quan…

Tháng 6/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt "Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nhằm tổng hợp, đánh giá tổng thể tài nguyên du lịch, nguồn lực, công tác quản lý, đề ra nhiều giải pháp, dự án phát triển du lịch.

Tuy vậy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, Tam Đảo lại đang diễn ra những cuộc "chạy đua" bê tông hóa, bởi nhan nhản những công trình bê tông cao tầng mọc lên dày đặc.

Việc bê tông hóa khu du lịch đang khiến cho không gian, cảnh quan nơi đây mất dần đi các giá trị thiên nhiên vốn có của Tam Đảo (Ảnh: Trần Kháng).

Chuyên gia mách nước để tránh mua bất động sản "mồ côi"

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nên tránh bất động sản "mồ côi" mà hãy mua bất động sản "sáng đèn".

Ông Quang giải thích từ "mồ côi" để chỉ những lô đất, dự án nằm đơn lẻ, không có tính kết nối, không có gì xung quanh. Theo ông, bất động sản mua được thì phải ở được, bán được. Nhà đầu tư hãy tránh những dự án dù được dán mác cao cấp nhưng trong bán kính xung quanh vài km không có tiện ích hay hạ tầng kết nối nào.

Tương tự, từ "sáng đèn" để chỉ những dự án có nhu cầu ở thực. "Khi nào dự án sáng đèn thì sẽ có giá. Còn ví dụ nếu bạn đi ngang một chung cư đã bàn giao mà chỉ có mỗi ánh đèn từ phòng bảo vệ thì thôi không nên mua", ông Quang chia sẻ.

Còn CEO Phú Đông Group Ngô Quang Phúc cho rằng để tránh rơi vào rủi ro trong thị trường bất động sản, nhà đầu tư cuối cùng vẫn phải đặt vấn đề pháp lý lên hàng đầu. Ông gợi ý ngắn gọn nếu mua bất động sản của doanh nghiệp đầu tư, phát triển thì hãy hỏi họ đã có giấy phép xây dựng hay chưa. Còn nếu mua nhà đất riêng lẻ của người dân thì hãy đến UBND phường, xã nơi đó, phòng công chứng để kiểm tra tình trạng pháp lý của bất động sản đó có ổn hay không.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP