Theo điều tra, từ giữa năm 2012, nghe tin Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế cần tuyển 500 cán bộ, nhân viên vào làm việc tại Bệnh viện Quốc tế (thuộc BVTW Huế) và các đơn vị chức năng và biết nhiều sinh viên ra trường có nhu cầu việc làm, Hoa y tá của Phòng khám đa khoa Medic (trụ sở đường Nguyễn Huệ, TP.Huế) giới thiệu có quen biết nhiều lãnh đạo, cán bộ cấp cao, có chồng là phó một Khoa ở BVTW Huế, các con trai đều là bác sĩ nên có thể giúp xin việc vào bệnh viện này và nhiều cơ quan nhà nước. Mỗi suất chạy việc vào BVTƯ Huế, Hoa ra giá 130-150 triệu đồng/suất; vào ngành giáo dục từ 80-100 triệu đồng, vào quân đội, công an là 300-350 triệu đồng/suất.
Nhiều người tin tưởng đưa cho Hoa số tiền đúng với giá đã định tùy ngành nghề xin việc. BVTW Huế tổ chức thi tuyển, xét tuyển nên những người mà Hoa nhận chạy việc không trúng tuyển. Các ngành khác mà Hoa hứa xin việc thì những người nộp tiền đều không trúng. Vụ việc vỡ lở, nhiều người đòi lại tiền nhưng Hoa hứa lèo, trốn tránh… nên tố cáo đến công an.
Nạn nhân chủ yếu đến từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng. Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế làm rõ, Hoa đã lừa được 325 người tại các tỉnh miền Trung, chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng. Hoa khai nhận không hề xin việc cho trường hợp nào mà dùng toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt được để tiêu xài cá nhân.
Cơ quan CSĐT xác định có 7 người “giúp sức” cho Hoa; trong đó người cao nhất nhận tiền chạy việc của 250 người được 21,5 tỷ đồng và đưa cho Hoa 19 tỷ đồng. Những người này đang được điều tra để làm rõ vụ việc.
Cũng với thủ đoạn tương tự, tháng 9-2015, Hoa bị Công an Quảng Trị khởi tố, bắt về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên sơ thẩm đối với Nguyễn Thị Thanh Hoa và Nguyễn Thị Hường (SN 1959, ngụ phường 1, thị xã Quảng Trị, Quảng Trị; là nhân viên Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Phong, Quảng Trị) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”.
Nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND tỉnh yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ hành vi vi phạm của các đồng phạm khác gồm Đinh Tiên Hoàn, Lê Đình Tuấn (cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) và Đinh Thị Lan (ngụ thị xã Hương Trà; là cán bộ kiểm lâm huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế). Hoàn, Tuấn, Lan cùng với Hoa được hưởng 10 - 15% số tiền thu được khi nhận xin việc cho người khác. Theo điều tra từ Công an tỉnh Quảng Trị, từ tháng 8-2013 đến tháng 9-2015, Hoa và đồng bọn lừa 21 người, chiếm đoạt được hơn 2 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 29-10-2015, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thị Thanh Hoa 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi lừa đảo xin việc cho 45 người, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài tội “Lừa đảo Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cơ quan công an các địa phương cũng điều tra, làm rõ Hoa và đồng phạm về hành vi “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”. Cụ thể, để tạo lòng tin, Hoa soạn thảo các văn bản thông báo, quyết định về việc tuyển dụng viên chức của BVTƯ Huế rồi giả chữ ký của Giám đốc Bệnh viện này. Nhưng vì không có con dấu để đóng nên Hoa thuê người khắc con dấu giả để sử dụng đóng vào các hồ sơ, giấy tờ.
Vụ việc cũng là bài học cảnh giác cho người dân; cũng là lời cảnh tỉnh đối với những người có nhu cầu xin việc nhờ vào tiền, mối quan hệ. Trao đổi với PV, một số nạn nhân cho biết, thấy bà Hoa là cán bộ y tá của Phòng khám lớn, có uy tín; lại xinh đẹp, có tài ăn nói, luôn khoe có mối quan hệ tốt với nhiều cán bộ, lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị và có gia đình khá giả, có chồng làm phó Trưởng khoa và 2 con trai là bác sỹ nên dễ dàng tin tưởng.
Tác giả bài viết: Hoàng Quân
Nguồn tin: