Tiếp nối mơ ước của cha
Sinh ra trong một gia đình làm nông, chị lớn lên cùng những gốc cam trong vườn, chứng kiến cảnh bố, mẹ vun trồng, chăm sóc những gốc cam đó, nâng niu chúng như những đứa con. Cũng từ đó, tình yêu cây cam ăn sâu vào chị bao giờ không biết.
Tình yêu đó cháy bỏng hơn, khi chị đặt chân ra Hà Nội học, thấy thương hiệu cam Vinh quê mình bị nhiều thương lái lợi dụng để đánh lừa người dân. Trong khi đó cam Vinh đích thực sản xuất ra đến vụ thu hoạch bị thương lái ép giá, nhiều năm phải cắt bỏ. Chị tâm sự: “Mình thương bố mẹ khi thấy họ phải đổ bỏ hàng tấn cam quả đến mùa thu hoạch mà không có người mua, thấy gian thương lừa mua cam mà không thanh toán tiền. Người nông dân nai lưng mới làm ra quả cam, nay lại không bán được, trong khi người tiêu dùng thì vẫn phải sử dụng hoa quả, thực phẩm chất lượng kém, hóa chất nhiều từ Trung Quốc. Lúc đầu là cảm giác hoang mang, nhưng sau đó tôi quyết tâm thay đổi điều đó”.
Chị Na (thứ 2 từ phải sang) tại một buổi hội thảo quốc tế về nông sản. Ảnh NVCC
Càng làm càng say, càng thấy con đường mình lựa chọn là đúng đắn, rồi thêm vào đó chị được nhiều người hỗ trợ, sẻ chia bí quyết. Hơn nữa, bản thân chị thấy công việc của mình không còn là của một người nông dân đơn thuần nữa, chị như là một người tạo động lực cho những người nông dân khác, cho các bạn trẻ khác.
Tạm gác giấc mơ làm giảng viên
Tốt nghiệp ngành Kinh tế Chính trị của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chị được nhận vào một công ty nước ngoài và được trả mức lương hấp dẫn. Nhưng từ nhỏ chị Na đã ước mơ trở thành một giảng viên và hiện vẫn theo đuổi giấc mơ này. Nhưng thương bố mẹ, người dân quê mình vất vả, chị tạm gác ước mơ đó lại để xây dựng thương hiệu cam Vinh của quê mình, của chính người cha thân yêu đã dành cả đời tâm huyết.
Không kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp, về cây cam, chị đã cần mẫn sưu tầm các loại sách, cũng như công nghệ mới để áp dụng vào vườn cam của gia đình. Chị luôn nghĩ cách để hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất, thân thiện với môi trường. Ngoài thời gian nghiên cứu thị trường, rảnh lúc nào chị lại cùng ông xã và nhóm kỹ sư của mình trực tiếp xuống tận các vườn, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, loại trừ các loại sâu bệnh.
Tuy nhiên, để có chỗ đứng cho thương hiệu cam Kỳ Yến của mình, chị cũng phải đối mặt với những khó khăn: Thị trường, tài chính và các nguồn lực khác để xây dựng thương hiệu khi số vốn có trong tay rất ít, nhân lực mỏng, uy tín doanh nghiệp chưa cao… Chị đã lên ý tưởng giới thiệu sản phẩm cam Vinh của mình ra thị trường Hà Nội. Lúc đầu là tìm đến các cửa hàng nông sản an toàn để giới thiệu sản phẩm. “Để được các cửa hàng đó tiếp nhận, phải trải qua nhiều khâu kiểm tra, thẩm định, đánh giá từ quy trình trồng cây cho đến khi thu hoạch phải là sản phẩm sạch, an toàn. Hà Nội là thị trường khó tính và người tiêu dùng khá sành nên hàng không đảm bảo chất lượng thì không thể bán lâu dài" - chị Na tâm sự. Đến nay, sản phẩm cam Vinh quê chị đã có mặt ở hầu hết các hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ ở Hà Nội. Người dân Kỳ Yến yêu mến gọi chị là “nữ thủ lĩnh cam Vinh xứ Nghệ”.
Tác giả bài viết: Ngô Chuyên