Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của người dân trong những ngày hè là sử dụng các loại rau mát như: rau dền, mồng tơi, rau đay... mà gia đình bà Bùi Thị Ngọc ở thôn 6, xã Thạch Sơn đã luân canh trồng 3 sào rau màu các loại. Với đặc điểm là những loại rau ngắn ngày, lại được chăm sóc tưới tiêu tốt nên vườn rau "thập cẩm" của gia đình bà Ngọc sau 30 ngày đã cho thu hoạch. Để dễ bán bà Ngọc thường bó xen các loại rau với nhau, mỗi bó có giá bán 3.000 - 5.000 đồng, bình quân mỗi ngày bà Ngọc cũng thu về ít nhất 100.000.
Còn đối với gia đình chị Trần Thị Hoa ở thôn 6, xã Thạch Sơn lại chọn cây bí đỏ để làm cây trồng chính cho gia đình mình. Mặc dù trồng bí đỏ trái vụ nhưng do nắm bắt được kỹ thuật cùng với thời tiết thuận lợi do vậy mà 3 sào bí đỏ của gia đình chị cho năng suất cao, đạt 1 tấn/sào. Bí được chị Hoa thu hái về để nhập cho thương lái. Với giá từ 2,7 - 3 triệu đồng/tấn, vụ bí năm nay chị Hoa thu về 9 triệu đồng, cao gấp 2 – 3 lần so với trồng ngô.
Bà Nguyễn Thị Đông - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Sơn cho hay: Hiện nay các hộ nông dân trong xã khá năng động và linh hoạt lựa chọn cây trồng trong mỗi vụ, đặc biệt là trong thời điểm nắng nóng thì nhu cầu về rau lại càng lớn do vậy mà địa phương khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng rau ở những vùng đất chủ động nước tưới.
Bên cạnh đó Hội Phụ nữ xã còn thành lập câu lạc bộ trồng rau sạch quy mô 4 ha với 50 hội viên tham gia. Các hội viên được tập huấn để trồng rau sạch, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, quy trình kỹ thuật thâm canh…để cung ứng cho thị trường.
Vụ hè thu năm nay toàn huyện Anh Sơn gieo trồng 380 ha rau màu các loại như: bầu bí, mướp đắng, dưa chuột, dưa hấu… tập trung các xã Cẩm Sơn, Thạch Sơn, Phúc Sơn, Tào Sơn. Với đa dạng các loại rau màu bằng phương pháp luân canh, xen canh giúp cho Anh Sơn phát triển được các vùng rau an toàn. Với giá cả từ đầu vụ tương đối ổn định sẽ là động lực cho người dân tiếp tục yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích.
Nguồn tin: Báo Nghệ An