Trong tỉnh

Nông dân Nghệ An ngưng tưới nước, đốn rễ hãm đào nở sớm

Còn hơn 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên, nhiều diện tích đào ở các huyện miền núi Nghệ An đã bung nở khiến cho người dân hết sức lo ngại. Nhiều hộ phải dừng tưới nước, đốn rễ để hãm đào nở.

Người dân trồng đào xã Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn) đang tỉa cành mong vớt vát được thu nhập đúng dịp Tết này. Ảnh: Minh Thái

Huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa là những địa phương có diện tích trồng đào ta lớn nhất ở các huyện miền núi Nghệ An. Tổng diện tích trồng đào ở các huyện này khoảng 200 ha. Đây là nguồn cung ứng cây đào Tết cho các huyện phụ cận và thành phố Vinh. Năm nay, do thời tiết nóng kéo dài ở giai đoạn tháng 10, tháng 11 năm 2018, cùng với đó là khí hậu cực đoan, thay đổi liên tục khiến cho nhiều diện tích đào đã bung nở.

Nhiều cây đã nở rộ hoàn toàn dù chưa đến Tết. Ảnh: Minh Thái

Gia đình anh Nguyễn Thanh Tuần ở xóm 20, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa là một trong những hộ dân có thâm niên trong trồng đào. Đến nay, gia đình anh có gần 200 gốc đào. Vào những năm trước, gia đình anh thu gần 50 triệu đồng từ việc bán cây, cành đào chưng Tết. Năm nay, đào nở sớm khiến anh hết sức lo lắng.

Tại xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn có một số gia đình trồng đào Tết với số lượng từ 30 - 100 cây. Tuy nhiên thời điểm này, hầu hết các vườn đào đều đã nở rộ, cá biệt có những hộ, đào đã nở đến 80 - 90%. Không ít chủ vườn đào ở Nghĩa Mai đang thấp thỏm, lo âu, mong thời tiết lạnh kéo dài để “hãm phanh”. Tuy nhiên, với số lượng lớn đào đã nở hoa trước Tết thì nỗi lo thất thu với người trồng đào đang hiện hữu.

Nhiều hộ trồng đào cho biết, bây giờ chỉ còn cách không tưới nước và đốn bớt rễ để giảm tốc độ đào nở hoa. Tuy nhiên, cách này chỉ hạn chế được một phần. Nếu trời quá rét thì còn có thể can thiệp để kích đào nở nhưng với trời ấm như thế này thì không có cách nào hãm nở hiệu quả. Nếu sang tuần có đợt rét đậm rét hại, đào ngưng nở thì may ra mới có thu. Còn cứ đà này, Tết nay đào đẹp sẽ rất hiếm.

Như ở miền xuôi, người trồng đào đá ở các huyện vùng cao như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong cũng đang “đau đầu” vì tình trạng đào nở sớm, đặc biệt là diện tích đào già.

Chỉ còn một ít diện tích đào non chưa nở, là nguồn hy vọng của người trồng đào ở các huyện miền núi trong năm nay. Ảnh: Hồ Phương

Anh Lầu Chí Sảnh ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống cho biết, gia đình anh có hơn 1 ha đào trồng cả trong vườn nhà và trên nương rẫy. Thời điểm này ở các năm trước, nhờ đào đẹp nên các thương lái đã bắt đầu đến “săn” và đặt cọc. Tuy nhiên, vừa rồi có mấy người đến xem thấy đào đã nở bung nên lắc đầu và bỏ đi. Chỉ còn một số ít cây chưa nở nên họ cũng không mấy mặn mà. Không chỉ gia đình anh mà một số diện tích đào của gia đình khác cũng đã nở. Diện tích đào nở sớm lại rơi vào những cây đào già, đây là những cây đào có giá trị vì nó to và nhiều rêu mốc.

“Việc đào nở sớm vẫn thường xuyên xảy ra ở các huyện miền núi, đặc biệt là diện tích đào đá vì họ không chăm sóc và cũng không có phương pháp cụ thể nào để hướng cho cây đào nở đúng thời điểm. Các năm trước cũng có hiện tượng đào nở sớm, nở muộn nhưng không phổ biến như năm nay. Với tình trạng như thế này thì chuyện thất thu là rõ ràng”, một người dân trồng đào có kinh nghiệm chia sẻ.

Tác giả: Phương - Thủy - Minh Thái

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP