Khi người dân các xóm đang vui hội đoàn kết thì người dân xóm chuyền lại hì hục làm cầu. Ảnh: Huy Thư |
Xóm Chuyền có gần 80 hộ dân, hơn 320 nhân khẩu nhưng sinh sống ở 2 bờ sông Con. Xóm Chuyền 1 ở bên kia sông có 35 hộ, người dân thường gọi là "đảo Chuyền" vì xóm bị bao bọc bởi 2 con sông (sông Giăng, sông Con), chỉ có một chiếc cầu tạm độc đạo nối với trung tâm bắc qua sông Con. Hàng năm, cứ đến mùa mưa, cầu này lại bị nước cuốn trôi, nhiều tháng trời “đảo Chuyền” bị cô lập, việc đi lại, sản xuất của bà con trở nên khó khăn, học sinh đi học cũng phải lội sông.
Đoạn sông này nước chảy xiết, các em nhỏ lội sông đến trường khá nguy hiểm, một số em đã bị nước cuốn trôi nhưng may mắn cứu được. Hiện “đảo Chuyền” có hơn 25 em học sinh từ bậc mầm non đến THPT phải qua sông đi học mỗi ngày. Mỗi khi mưa lớn kéo dài, các gia đình ở “đảo Chuyền” phải gửi con cho nhà người quen ở bên kia sông, còn mưa đến đột ngột thì học sinh phải nghỉ học đồng loạt.
Anh Trần Đình Thắng có 4 con đang đi học chia sẻ: “Ngày mưa to, nước ngập hoặc trôi cầu, các gia đình ở xóm Chuyền đang có con đi học đều lo lắng. Riêng nhà tôi phải đi 2 chặng, dùng thuyền chở con qua sông, rồi dùng xe đã gửi bên đó, tiếp tục chở con đi học”.
Theo người dân địa phương, chiếc cầu tạm làm vào đầu năm 2017 đã bị lũ lớn hồi tháng 3 cuốn trôi hàng trăm mét. Sau đó, người dân đã cho trâu bò ra kéo cầu ngược về chỗ cũ, rồi dựng lại. Đợt mưa lũ vừa qua đã cuốn cầu trôi hẳn, nên tháng 11 này bà con lại tiếp tục làm cầu!
Người dân xóm Chuyền vận chuyển gỗ làm cầu. Ảnh: Huy Thư |
Chị Cao Thị Hoài, Chi hội trưởng phụ nữ xóm cho biết: "Thời gian làm cầu tạm thường kéo dài vài ngày. Các gia đình trên “đảo” tự nguyện đóng góp vật chất và ngày công để làm cầu, ai cũng muốn có cầu sớm để đi”.
Những ngày qua, khi người dân các địa phương đang vui hội đại đoàn kết thì người dân xóm Chuyền lại tất bật với việc bắc cầu qua sông. Với họ, làm cầu là một công việc hệ trọng trong năm, thu hút sự quan tâm của cả xóm. Ngày bắc cầu, người già, người trẻ đều hăng hái tham gia.
Trên sông Con, việc làm cầu của bà con khá vất vả, tất cả đều dùng sức người. Họ phối hợp với nhau tập kết nguyên vật liệu từ xóm ra sông, dùng tre đóng chéo thành nhiều mố cầu, rồi dùng thân cây tròn bắc trên các mố tre làm dầm cầu. Cầu tạm của xóm Chuyền năm nay làm dài hơn năm trước, khoảng 30m, rộng 2m, trên mặt cầu được lát ván ngang.
Sau mấy ngày lao động khó nhọc với hàng trăm ngày công, chiếc cầu đã hoàn thành, tuy làm bằng tre, gỗ nhưng đi lại khá chắc chắn. Có cầu tạm, người dân qua sông thuận lợi, trẻ em đến trường, không phải người cõng, người bồng như trước.
Ông Thái Văn Thắng, Bí thư Chi bộ xóm Chuyền cho biết: “Gần nửa thế kỷ từ lúc lập làng đến nay, người dân “đảo Chuyền” không nhớ nổi đã làm bao nhiêu chiếc cầu tạm bằng tre, gỗ như thế này. Mấy năm trước, khi “Dự án đập tràn xóm Chuyền” được triển khai, bà con mừng lắm, cứ nghĩ là đã thoát cảnh cô lập, lội sông… nhưng rồi chờ mãi đến giờ vẫn không thấy đâu".
Tác giả: Huy Thư
Nguồn tin: Báo Nghệ An