Bạn trẻ giao tiếp tiếng Anh với khách du lịch tại chợ Bến Thành
Điều này tạo áp lực nhưng cũng là động lực để những người buôn bán ở đây rèn ngoại ngữ.
Sợ nói tiếng Anh thì cứ… ra chợ
Buôn bán ở một sạp đồ lưu niệm ngay trung tâm chợ Bến Thành, Huỳnh Thị Ái Quỳnh từ việc chỉ biết một ngoại ngữ là tiếng Anh nay có thể cùng lúc nói được 6 thứ tiếng là Anh, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản… Trong đó, Quỳnh có thể sử dụng tiếng Anh và tiếng Nhật để tư vấn, giới thiệu chuyên sâu. Các ngoại ngữ còn lại sử dụng trong giao tiếp thông thường và mời chào những khách du lịch không thể nói tiếng Anh.
Quỳnh cho biết: “Hầu hết người buôn bán ở chợ này đều thành thạo tiếng Anh và “sơ cua” thêm một vài thứ tiếng khác”. Cô chia sẻ thêm: “Lúc đầu mình cũng rất ngại giao tiếp bằng tiếng Anh nên hạn chế nói. Tuy nhiên, không mời thì hàng hóa ế ẩm nên buộc phải chủ động giao tiếp, nhờ đó mà khả năng nói tiến bộ nhanh chóng. Ban đầu mình nói những câu đơn giản, phát âm ngường ngượng rồi sau đó sẽ quen dần, phát âm sẽ tự nhiên và chuẩn hơn. Từ việc nói tốt, hiểu về cách phát âm sẽ hỗ trợ rất tốt cho học ngữ pháp”.
Tương tự, Trần Kim Thảo, sinh viên Trường ĐH Ngân Hàng, nhờ phụ mẹ bán hàng trong chợ Bến Thành nên đã từ bỏ được chứng sợ giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhìn điệu bộ giao tiếp tự nhiên của Thảo bây giờ không ai nghĩ chỉ 2 năm trước Thảo không dám nói tiếng Anh. Thảo cho biết: “Khi học THPT em không hay ra chợ, chỉ thỉnh thoảng ra dọn hàng phụ mẹ. Tuy nhiên, từ khi đậu ĐH em ra chợ nhiều hơn vì muốn có môi trường để giao tiếp với người nước ngoài”.
Thảo kể: “Mẹ em không hề qua một lớp đào tạo nào nhưng khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ khá tốt. Trong khi mẹ có thể nói được 6 - 7 thứ tiếng thì em chỉ nói được tiếng Anh và bập bẹ một số câu chào, mời bằng tiếng Nhật, Malaysia. Thời gian đầu, thấy khách Tây hỏi thì ngại, nhưng sau đó vì yêu cầu bắt buộc phải nói được nên em đánh bạo. Nói một vài lần thì quen. Thói sợ giao tiếp bằng ngoại ngữ cũng mất dần. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của em đã tăng lên rất nhiều. Em cho rằng cách học chủ động và giao tiếp nhiều sẽ giúp phát triển ngoại ngữ nhanh nhất”.
Theo Thảo, có một số khách Nhật, Malaysia họ hỏi bằng tiếng của họ. Lúc này mình nói tiếng Anh họ cũng không hiểu nên để không bị mất lượng khách hàng này bắt buộc mình phải tìm hiểu thêm về một số thứ tiếng khác. Thảo nhận định: “Hầu hết tiểu thương ở chợ Bến Thành có thể nói được nhiều thứ tiếng nhưng không hiểu sâu và viết không chính xác. Để học tốt các ngoại ngữ hơn thì việc giao thiệp ở chợ chỉ mới là tiền đề, là đòn bẩy, sau đó mình cần phát triển thêm các kỹ năng còn lại”.
Sinh viên học thêm tiếng Anh từ chợ
Cho rằng chợ là môi trường khá tốt để phát triển giao tiếp tiếng Anh nên một số bạn trẻ, sinh viên chọn cách túc trực ở bên ngoài chợ Bến Thành để bắt chuyện, dẫn khách du lịch vào chợ, giúp họ tìm kiếm, chọn lựa những mặt hàng phù hợp. Kết quả thu được là khả năng nói tiếng Anh được nâng lên và có thù lao khá tốt.
Hồ Phương Hoa, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, cho biết: “Tụi em rất cần tiếng Anh, chính vì thế, ngoài việc nắm chắc ngữ pháp, hầu hết các bạn trong lớp em đều đang đi học thêm tiếng Anh bên ngoài trường”. Tuy nhiên, các sinh viên này cho biết những khóa học tiếng Anh ở trung tâm không rẻ, đặc biệt là các trung tâm quốc tế, học với giáo viên người nước ngoài thì học phí lại càng mắc. Để tiết kiệm chi phí, lúc trước các sinh viên thường ra công viên, Nhà văn hóa Thanh niên hoặc tham gia một số chương trình xã hội với du học sinh nước ngoài tại VN. “Nghe bạn bè mách nước là nên ra khu vực Chợ Lớn, chợ Bến Thành nhập đoàn với khách Tây giới thiệu sản phẩm cho họ, vừa có thể giao lưu nhiều với người nước ngoài, mở rộng vốn từ vừa có thể kiếm ra tiền nên em thực hành ngay”, Hoa cho biết.
Trần Văn Toàn cũng làm công việc này hơn 3 năm nay. Toàn cho biết: “Những buổi sáng trong tuần em thường quanh quẩn ở khu vực Chợ Lớn, còn ngày cuối tuần thì qua chợ Bến Thành tìm khách du lịch để hướng dẫn. Khi gặp một đoàn khách du lịch em thường dùng tiếng Anh để hỏi xem họ muốn mua gì, thích xem những gì? Nếu họ nhiệt tình hoặc tỏ thái độ muốn nghe em sẽ giới thiệu tiếp. Thông thường, khách du lịch họ không biết sản phẩm nào có chất lượng tốt, giá các sản phẩm như thế nào là hợp lý nên họ hỏi giá và nhờ em tư vấn, trả giá”.
Tác giả bài viết: Lam Ngọc
Nguồn tin: