Bạn cần biết

Nối gân gót cho ngư dân gặp tai nạn khi đang làm việc trên biển

Vừa qua, Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Quốc tế Vinh tiếp nhận người bệnh N.X.T, 44 tuổi đến khám trong tình trạng có vết thương vùng gót phải 2 cm. Vết thương đã được khâu xử trí ban đầu.

Theo thông tin từ người bệnh cho biết: Cách đó vài ngày, khi đang làm việc ở khu vực Quần đảo Trường Sa, anh T. bị vật sắc nhọn cắt vào gót chân khi và đã được Bác sĩ tại đây khâu cầm máu vết thương.

Qua thăm khám, bàn chân phải không thể duỗi cổ chân ra được, mất nhón gân gót, siêu âm thấy hình ảnh đứt hoàn toàn gân gót phải, hai đầu đứt xa nhau 33 mm. Bác sĩ chẩn đoán: Đứt gân gót hoàn toàn và chỉ định phẫu thuật nối gân gót Achilles.

Bác sỹ tiến hành xử lý trước trước khi ca mổ diễn ra

Cuộc mổ diễn ra 90 phút, người bệnh được phẫu thuật trong tư thế nằm sấp và gây tê tủy sống. Phẫu thuật viên tiến hành rạch da đường sau ngoài gót chân khoảng 8cm, thấy gân gót đứt sát điểm bám và xương gót, thực hiện nối gân gót bằng chỉ siêu bền, khâu đầu gân bằng phương pháp KRACKOW.

Ngay sau khi mổ kiểm ra lại kết quả khâu nối gân gót, bàn chân đã về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, để gân gót được phục hồi, người bênh cần được bó bột trong khoảng 2 tháng. Sau khi tháo bột, người bệnh sẽ có chương trình tập luyện để lấy lại chức năng của gân gót.

Ca mổ thành công, bệnh nhân sẽ có 2 tháng phục hồi và tập luyện để có thể đi lại bình thường

Theo Bác sĩ Võ Ngọc Thái: “Đứt gân gót là chấn thương thường gặp khi tham gia giao thông, lao động, sinh hoạt, đặc biệt là chơi thể thao. Dấu hiệu nhận biết tổn thương đứt gân gót: Có vết thương hoặc khi chạy nhảy, chơi thể thao nghe tiếng “rốp” hoặc đau chói ở mặt sau cổ chân và cẳng chân. Đồng thời không nhón được gót chân, đứng bằng mũi chân và không thể đi lại bình thường được nữa.

Tùy theo mức độ tổn thương mà có thể điều trị bảo tồn bằng bó bột nếu người bệnh đến sớm và hai đầu gân đứt không tụt xa. Tuy nhiên, phương pháp hiệu quả và giúp phục hồi khả năng vận động tốt nhất là phẫu thuật nối gân Achilles.”

Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi lao động hoặc tham gia các hoạt động thể thao, nếu thấy có các biểu hiện đau vùng gân gót hoặc có vết thương thì mọi người cần đến ngay Bệnh viện để được Bác sĩ chuyên khoa thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và điều trị chính xác.

Tác giả: Kim Chung

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP