|
Ngày 4/4 vừa qua, Tập đoàn FLC đã công bố thông tin về việc nhận được 11 quyết định của cơ quan thuế.
Cụ thể, Chi cục thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương đã ban hành 11 quyết định trong ngày 30/3/2022 đối với FLC. Tuy nhiên, khi đó FLC không cho biết thông tin chi tiết về các quyết định này.
Đến ngày 15/4, FLC mới bổ sung thông tin về các quyết định cưỡng chế thuế. Theo đó, 11 quyết định của Chi cục thuế khu vực thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương đều là về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với FLC, mở tại 11 ngân hàng: VPBank chi nhánh Hà Nội; VIB chi nhánh Quận 1 TPHCM, OCB chi nhánh Hà Nội, Vietcombank Hội sở, BIDV chi nhánh Bình Định, BIDV chi nhánh Tây Sơn Bình Định, Agribank chi nhánh Tây Đô, Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa, Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc, Vietinbank chi nhánh Sầm Sơn và BIDV chi nhánh Thanh Hóa.
Lý do bị cưỡng chế là do công ty nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày theo quy định và số tiền bị cưỡng chế là 124,8 tỷ đồng.
Đến ngày 13/4/2022, FLC đã nhận được văn bản số 787/CCT-KT của Chi cục thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương, về việc mở phong tỏa tài khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Trước đó, Tập đoàn FLC từng bị Ủy ban Chứng khoán phạt 495 triệu đồng vì vi phạm một loạt quy định trong việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Mới đây, FLC đã xin gia hạn thời gian tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 chậm nhất tới ngày 30/6/2022. 2 thành viên Ban kiểm soát FLC cũng vừa xin từ nhiệm, là ông Nguyễn Chí Cương và Bà Phan Thị Bích Phượng.
Tác giả: Hà My
Nguồn tin: Nhịp sống kinh tế