Nhân ái

Những tràng cười ám ảnh bên trong "căn nhà ma" ở Quảng Bình

Đau đớn khi phải tự tay nhốt hai cô con gái vào trong căn phòng khóa kín nhưng bà không còn cách nào, vì chỉ cần được thoát ra ngoài, bao nhiêu đồ đạc trong nhà đều bị đập nát, đến bản thân bà cũng bị con gái đánh bầm tím. Đánh mẹ xong, hai chị lại chạy khắp làng trên xóm dưới, trên người không một mảnh vải che thân.

Người dân ở thôn Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bấy lâu nay gọi ngôi nhà của bà Phan Thị Vui là “nhà ma ám”. Trong ngôi nhà đó, một người mẹ năm nay đã 60 tuổi, mang trong mình bệnh tim nhưng hằng ngày vẫn chăm sóc hai người con gái bị điên và một cậu con trai không được khôn ngoan như bạn bè cùng trang lứa.

Chúng tôi đến thăm bà vào giữa buổi sáng, cái nắng oi bức cuối mùa hè làm mùi khai và hôi hám từ trong nhà xộc thẳng ra sân. Bà bảo đó là mùi từ căn phòng đang nhốt hai người con gái.

Căn phòng chật chội, ẩm thấp bốc mùi hôi thối là nơi bà Vui "giữ" hai người con của mình

Chồng mất sớm, một mình bà Vui tần tảo nuôi ba người con, hai con gái đầu tên là Võ Thị Yên (SN 1978), Võ Thị Thuận (SN 1982) và một cậu con trai năm nay đã 18 tuổi.

Tuổi thơ của chị Yên, chị Thuận cũng tươi đẹp và nhiều mơ ước như chúng bạn, chị Thuận học hành giỏi giang lại dẹp dịu dàng nên được thầy yêu bạn mến.

Học hết lớp 5, mẹ nghèo không có điều kiện học tiếp nên chị Thuận đi làm thuê. Đến tuổi trưởng thành chị bén duyên, lấy chồng ở cách đó 5km. Niềm vui chẳng tày gang, vừa cưới nhau được 3 tháng thì chị bị chồng ruồng bỏ và ly dị.

Chị Thuận dọn về nhà mẹ đẻ trong sự đàm tiếu của xóm làng, bẵng đi một thời gian chị trở nên khác lạ, suốt ngày cười nói ngây ngô và đập phá đồ đạc. Mỗi lần như thế, mắt chị lại long lên sòng sọc, bệnh tình mỗi ngày một nặng.

Còn chị Võ Thị Yên trước nay vẫn bình thường, chịu khó phụ giúp mẹ nuôi nấng 2 em, thế nhưng không hiểu vì sao từ khi chị Thuận bị chồng ruồng bỏ rồi trở nên điên dại, chị Yên cũng phát bệnh và chịu chung số phận với em gái mình.

Hai chị Thuận-Yên từng rất xinh đẹp, khôn ngoan

“Tôi đã khóc cạn nước mắt, bán hết mọi thứ có thể, chạy chữa đủ đường, từ thuốc nam thuốc bắc đến đồng bóng tâm linh nhưng bệnh tình của hai đứa không hề thuyên giảm”, bà Vui chua xót nói.

Lực bất tòng tâm, sức người có hạn, bà đành chấp nhận nuốt nước mắt vào trong, ngày ngày nhìn hai đứa con mình cười nói, phá phách trong điên dại triền miên.
Hai chị lên cơn ngày càng nhiều, đồ đạc trong nhà cũng bị phá tan tành, bà Vui bị các con đánh đến bầm tím. Không còn cách nào khác, bà phải nhốt hai chị vào trong một căn buồng tối tăm, ẩm ướt và hôi hám.

Dù rất đau lòng, bà Vui vẫn phải tự tay nhốt hai cô con gái vào trong căn phòng

“Có lần tôi mở cửa để đưa cơm vào, hai đứa thoát ra được đánh tôi khâu mấy mũi rồi chạy khắp làng trên xóm dưới, trên người không một mảnh vải che thân. Phải mất nhiều công sức và thời gian tôi mới bắt được chúng về”, bà Vui kể tiếp.

Hai chị không chịu mặc quần áo bất kể mùa đông hay mùa hè, cứ đưa vào là xé nát bươm. Chuyện vệ sinh cá nhân, tất tần tật bà đều phải để “tự nhiên”, sau đó dùng vòi bơm nước xịt đi như cách người ta vệ sinh chuồng trại.

Câu chuyện nửa chừng thì bà bảo phải đưa cơm vào để hai con ăn, cánh cửa hé ra chỉ đủ để bà đặt bát cơm rồi đóng lại ngay tức khắc. Thoáng chút lặng im, rồi sau đó là những tiếng cười man dại, tiếng tranh giành, cấu xé và sau một hồi lại trở về im lặng. Chốc chốc, hai chị lại tranh nhau đến ghé mắt qua những chiếc lỗ nhỏ trên tấm cửa gỗ để nhìn ra. Tôi đã bắt gặp ánh mắt đó và bỗng giật mình kinh hãi, ánh mắt mở to, ma quái đến điên dại.

Bà Vui cũng cho biết, hai con từng được đưa đi Sài Gòn chữa trị nhưng khi về nhà đâu lại vào đấy. Mỗi tháng nhà nước hỗ trợ cho mỗi chị 810 ngàn đồng, bên cạnh đó các cấp chính quyền cũng rất quan tâm đến đời sống mẹ con bà.

Giấy chứng nhận khuyết tật của hai chị

Hiện bà Vui đang bị bệnh tim hành hạ, phải uống thuốc hằng tháng, sức khỏe yếu đi rất nhiều. “Tôi hôm nay sống không biết ngày mai, điều tôi lo lắng là các con chưa biết sẽ thế nào. Tôi chỉ có một mong ước duy nhất là xin hãy đưa Yên và Thuận vào trại tâm thần, ít nhất chúng cũng được sống những ngày còn lại”, bà Vui nức nở.

Chúng tôi ra về nhưng vẫn bị ám ảnh bởi ánh mắt long sòng sọc, ráo hoảnh của hai chị qua chấm nhỏ trên cánh cửa gỗ. Nhìn ra ngoài, mảnh vườn đầy lau lách, cỏ mọc tràn lên lối đi như không có sự tồn tại của ngần ấy con người trong ngôi nhà lạnh lẽo, cô đơn.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

Gửi trực tiếp: bà Phan Thị Vui, thôn Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. SĐT 01253416527

Tác giả: Hải Sâm

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP