Giáo dục

Những học sinh “sợ tốt nghiệp” ở vùng biên giới

Lớp học đông dần. Bên ngoài trời sụp tối. Hơn 30 đứa trẻ ngồi ngay ngắn trên những chiếc bàn học…

Đến Tân Hưng (Long An) vào một buổi chiều, chúng tôi ghé lại quán nước ven đường... Một phụ nữ trung niên đến gần "Anh mua giúp cho tờ vé số". “Không, cám ơn chị”.

10 phút sau, một người đàn ông khác cũng đến mời mua vé số. Sau vài người như thế, đến một bà cụ. Tôi cầm xấp vé số và hỏi bà “Mấy nơi khác bọn trẻ con đi bán vé số nhiều lắm sao ở đây thấy toàn người già?”, bà cụ nhoẻn miệng cười "Tới giờ tụi nó vô học rồi".

Một tình nguyện viên đang đứng lớp


Những học sinh đặc biệt

Chúng tôi có mặt tại trung tâm học tập cộng đồng thị trấn Tân Hưng vào đúng 17h. Nhiều dạy bàn học đã có học sinh vào ngồi. Từ phía sau nhìn tới, mái tóc đứa nào cũng vàng hoe. Da chúng đen nhẻm và quần áo đủ màu đủ kiểu... Một vài đứa đi chân đất.

Đây không phải là lớp học bình thường dành cho học sinh bình thường. Học sinh ở đây không cùng một lứa tuổi. Có đứa 14 - 15 tuổi nhưng cũng có em chỉ mới 6 - 7 tuổi.

Chúng có cùng một đặc điểm, con của những Việt kiều Campuchia, không có một mảnh giấy tờ tùy thân lận lưng. Mặc dù còn rất nhỏ nhưng, ban ngày, chúng lao vào cuộc mưu sinh để đến 17h chúng tề tựu về đây...

Khoảng 10 năm trước, bà con người Việt sống nhiều đời trên đất Campuchia bằng nghề đánh bắt cá trên Biển Hồ gặp nhiều khó khăn. Một số người đã tìm về cố quốc.

Tại Long An, ở 2 huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng, con số Việt kiều Campuchia về trú ngụ lên đến vài trăm hộ. Họ không có CMND, trẻ con không có khai sinh nên không ai có thể có một việc làm ổn định trong nhà máy, công ty, xí nghiệp.

Người lớn đi chài, đi lưới vào mùa nước và làm công vào mùa khô. Không một đứa trẻ nào được đến trường, một số đi bán vé số, số khác theo cha mẹ phụ công việc đánh bắt ngoài đồng…

“Thưa thầy, bạn ngồi cạnh con chửi bậy...”

Anh Trần Ngọc Bảo, thầy giáo đứng lớp giới thiệu "Hôm nay có một bác ở Sài Gòn xuống thăm và có đem theo món quà nhỏ tặng các em. Các em chào bác đi"…

Chúng tôi đến tận bàn trao cho mỗi đứa một quyển tập và một cây viết. Tất cả đều nhận bằng hai tay. Đứa nào cũng thế, cúi đầu và nói “Con cám ơn bác”.

Giờ học bắt đầu. Ngoài anh Bảo ra còn có một số tình nguyện viên vốn là giáo chức trong huyện đến phụ giúp. Em thì tập đọc, em thì tập viết. Có em làm toán và cũng có em tự kiểm tra lai bài tập đã làm...


say sưa học hành


Anh Bảo cho biết một nửa các em trong lớp này đi bán vé số, nửa còn lại phụ cha mẹ lưới cá giăng câu. Không có đứa nào ở không, rong chơi.

“Thầy ơi, bạn ngồi bên cạnh con nói ĐM. đó thầy” - một bé gái chừng 8 tuổi bỗng mách.

Anh Bảo nói với bé “Con về chỗ đi, thầy sẽ phạt bạn đó”. Nói là phạt nhưng anh Bảo chỉ gọi cậu học trò kia ra nói cho biết những điều hay lẽ phải. Cậu học trò khoanh tay cúi đầu “Thưa thầy con vâng lời thầy. Con không dám chửi bậy nữa”.

“Từ khi sinh ra đến giờ, chúng là những con ngựa hoang. Cha mẹ chúng vật lộn với cuộc sống mà bỏ quên để chúng phát triển theo tự nhiên. Giờ phải cho chúng vào khuôn phép mới có thể nên người được” - anh Bảo bày tỏ với chúng tôi.

“Chết mẹ, rách tập rồi”

Vốn là giáo viên Trường THCS Thị trấn Tân Hưng, anh Trần Ngọc Bảo được biệt phái về Trung tâm Học tập cộng đồng. Anh kể lại, vào năm 2015, thị trấn phát hiện một số trẻ em lang thang khắp nơi trên tay cầm xấp vé số trong giờ làm việc. Nhiều người cảnh báo có khả năng đây là những đứa trẻ bị chăn dắt...

Cất công tìm hiểu, được biết chúng là con của những gia đình Việt kiều không quốc tịch. Gia đình chúng sống lênh đênh trên ghe.

“Mấy anh cán bộ trong thị trấn gợi ý với tôi là thử tập trung tụi nhỏ và dạy học xem chúng chịu học không. Tôi bàn bạc, tham khảo ý kiến một số thầy cô và xin ý kiến Ủy ban thị trấn. Tất cả đều nhiệt tình ủng hộ” – anh Bảo nhớ lại.

Thế là UBND Thị trấn cho mượn trụ sở Trung tâm Học tập cộng đồng làm phòng học. Bàn ghế, bảng đen thì mấy anh em cùng nhau đến xin các trường trong thị trấn. Nhiều người dân địa phương hay tin cũng góp vào tập, viết, cặp sách, quần áo cũ, bữa ăn chiều… Các giáo viên người hỗ trợ tiền, người chia nhau đến dạy.

Lớp học chính thức "khai giảng" vào tháng 10/2015. Sau này thêm nhiều trẻ em khác ở xa thị trấn cũng tới học, có em còn đạp xe gần 20km tìm đến. Sĩ số học sinh có lúc lên đến 33 em.

Xóm nghèo trên sông, nơi các em sống với cha mẹ


“Chúng tôi không sao quên được những buổi học đầu tiên của các em. Xuất thân từ những đứa trẻ bán vé số, đánh bắt cá, bưng bê làm mướn, rửa xe… hầu như em nào cũng lao động và có “máu giang hồ”. Nói chuyện với nhau, dù là bình thường chúng cũng vẫn đệm vào những tiếng chửi thề tục tĩu. Ngồi một lát tìm cách gây chuyện với bạn bên cạnh rồi đánh nhau, chửi nhau, kể tội nhau...” – anh Bảo kể tiếp.

“Ấy vậy nhưng khi học các em tỏ ra rất chăm chú, nhìn các em học viết chữ thấy mà thương. Tay cầm bút không quen, lóng nga lóng ngóng nên “Chết mẹ rách tập rồi” là câu nói thường nghe khi các em viết”...

Một năm đã trôi qua, số học sinh ngày nào vẫn còn đó nhưng những tiếng chửi thề, những màn đánh lộn không còn xuất hiện trong lớp học. Thay vào đó, các em luôn luôn vâng dạ, lễ phép và nghe lời thầy cô.

Anh Bảo không giấu sự xúc động - “Có phải đây là món quà của nghề giáo chúng tôi?”.

Những nhân tố đáng yêu trong lớp học

Tuy nhiên, những rộn rã của buổi ban đầu cũng vơi dần. Hai tháng sau lớp học chỉ còn 14 em và 3 giáo viên.

“Chúng tôi hơi hoang mang và cố tìm hiểu. Thì ra, một vài em phải theo gia đình đến nơi khác mưu sinh. Cũng có nhiều em mải mê làm thuê quên cả việc học. Không loại trừ một số chán nản do học không vào.

Chúng tôi cùng bàn với nhau gom góp mỗi người một ít, cứ mỗi hôm đến lớp mang theo quà bánh, trái cây "dụ dỗ" học sinh. Vậy mà có kết quả, số em đi học lại tăng lên”.

Trong số học sinh của lớp, các thầy cô giáo lưu ý đến một bé gái nhỏ con, sức khỏe èo uột thường xuyên đi học trễ. Hỏi tên, em nói tên Hiền. Em không biết họ và cũng chẳng biết sinh năm nào, chỉ nghe mẹ nói năm nay 9 tuổi. Hàng ngày em phải đi bán vé số giúp gia đình. Mấy bạn của em kể lại “Nó bệnh tim, bệnh gan thêm lao phổi nữa. Đi bán nó xỉu hoài. Nhà nó tuốt ngoài cầu Rọc Bắt Heo, xa lắm thầy”.

Một bé trai khác mập mạp tráng trẻo nhưng đi học hay ở trần. Em tên Bẹ nhưng tự đặt là Mỹ. Giải thích tại sao lại không mặc áo, Mỹ chỉ ra cửa sổ nói “Mới giặt áo phơi chưa khô, thầy ơi”. Nhìn chiếc áo em phơi, cũ kỹ và nhàu nát. Thì ra em chỉ có mỗi chiếc áo đó.

Trong lớp còn có em Nguyễn Văn Nghé chậm phát triển thể chất nhưng thông minh học nhanh. Em Nguyễn Thị Lẹ học chăm và hoạt bát như chính cái tên của mình. Em Nguyễn Văn Phụng bị hở hàm ếch và rất cần cù. Em Nguyễn Thị Mỹ Nương bán vé số nuôi em học…

Đặc biệt, em Nguyễn Văn Bè,17 tuổi, bị từ chối khi xin việc do không biết chữ. Em xin vào học và cho biết đến chừng nào biết chữ sẽ lên Sài Gòn tìm công ăn việc làm.

Chỉ một năm rưỡi là xong một khóa học. Các em rất sợ "tốt nghiệp" vì đến lúc đó nghỉ học, vắng bạn bè thầy cô sẽ rất buồn.

Chăm chú lắm


Những thầy giáo ở lớp học đặc biệt này cho biết họ chưa nghĩ đến việc ngưng dạy, và sẽ tiếp tục cho đến khi không còn có thể để các em bớt thời gian rỗi rảnh dễ sa ngã vào những tệ nạn.

“Chúng tôi cần lắm những bàn tay góp sức, để tâm nguyện của chúng tôi là mong các em nên người được thực hiện trọn vẹn”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch UBND thị trấn Tân Hưng, cho biết bằng mọi cách phải duy trì lớp học.

"Chúng tôi dự định sẽ tách thành 2 lớp, lớp học cuốn 1 và lớp học cuốn 2 để thuận tiện trong việc giảng dạy. Hai năm qua, lớp học tình thương này hoạt động được nhờ vào tấm lòng của những người quan tâm đến tương lai những đứa trẻ kém may mắn. Hiện nay vẫn chưa có kinh phí hoạt động trong khi nhu cầu rất lớn để giúp các em trong việc học và sinh hoạt cá nhân…".

Tác giả bài viết: Trần Chánh Nghĩa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP