Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) nơi chuyển hàng trăm tỉ từ Ngân hàng SCB về cho Trương Mỹ Lan - Ảnh: T.T.D |
Theo kết luận điều tra, dù không nắm giữ chức vụ gì nhưng bà Lan mới là "chủ thực sự" chi phối Ngân hàng SCB biến thành "công cụ tài chính" để huy động tiền gửi sau đó cấp vốn cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát".
Lập tài khoản "ma" rút tiền mặt để cắt đứt dòng tiền
Mỗi khi cần tiền, nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát sẽ yêu cầu nhóm lãnh đạo SCB tập trung tại tòa nhà Times Square để họp đưa ra các phương án lập khống hồ sơ vay tiền chứ không làm việc tại trụ sở ngân hàng.
Dưới "quyền lực tuyệt đối" của bà Lan, dàn lãnh đạo SCB phải phân công nhau nhiệm vụ để các khoản vay được giải ngân.
Để hợp thức việc rút tiền sử dụng cho các mục đích cá nhân, tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, có điều kiện truy vết theo dòng tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo "thân tín" tại SCB phối hợp với nhân viên Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ khống giải ngân các khoản vay.
Bà Lan cũng chỉ đạo các thuộc cấp mượn nhiều pháp nhân, cá nhân tạo tài khoản "ma" tại ngân hàng. Tiền vay sau khi giải ngân sẽ được chuyển vào tài khoản của các cá nhân, pháp nhân "ma" để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng hoặc chỉ đạo cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền - kết luận điều tra nêu.
Việc rút tiền tại Ngân hàng SCB được thực hiện như sau: Khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo một số chi nhánh lớn của Ngân hàng SCB thực hiện dưới hai hình thức rút tiền mặt trực tiếp tại Ngân hàng SCB hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty "ma", cá nhân trong nhóm.
Nhóm cán bộ, lãnh đạo SCB xuất tiền theo một quy trình có sẵn bất chấp các quy định pháp luật rồi giao cho Bùi Văn Dũng. Sau đó, Dũng vận chuyển tiền về nhà cho Trương Mỹ Lan tại tòa nhà Sherwood, 127 Pasteur, quận 3, TP.HCM.
Trương Mỹ Lan chỉ đạo lái xe vận chuyển 108 ngàn tỉ và 17,5 triệu USD tiền mặt từ SCB về nhà riêng hoặc trụ sở Vạn Thịnh Phát |
Tại tòa nhà trên, Dũng giao cho Trần Thị Hoàng Uyên - trợ lý của chủ tịch Vạn Thịnh Phát. Uyên theo chỉ đạo của bà Lan giao tiền cho những người đến nhận. Tuy nhiên Uyên không lưu giữ ghi chép về người nhận tiền.
Những chuyến xe chở tiền về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Hoặc có những chuyến xe chở tiền thẳng về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) để giao cho Trương Mỹ Lan hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân theo chỉ đạo của nữ doanh nhân này.
Kết quả điều tra xác định sổ tay ghi chép và lời khai của Bùi Văn Dũng, Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý Trương Mỹ Lan) từ ngày 26-2-2019 đến ngày 12-9-2022, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Dũng đã vận chuyển tiền từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của nữ doanh nhân này khoảng 108 ngàn tỉ đồng và 14,7 triệu USD.
Số tiền mặt trên được rút ra khỏi SCB không chỉ từ khoản vay tín dụng của ngân hàng mà còn có nguồn từ phát hành trái phiếu. Những chuyến xe chở tiền khỏi nhà băng được giao cho bà Lan hoặc đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của chủ tịch Vạn Thịnh Phát - kết luận nêu.
Khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp sử dụng các pháp nhân, cá nhân mở tài khoản tại Ngân hàng SCB để nhận tiền, chuyển tiền được giải ngân. Tiền sau đó tiếp tục được "chuyển lòng vòng" trong các công ty thuộc "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát", chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của Trương Mỹ Lan - kết luận nêu.
Bằng các thủ đoạn nêu trên, kết quả điều tra đến nay xác định theo chứng từ giải ngân, việc chuyển tiền đến các tổ chức được thực hiện qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân. Tổng cộng có 1.284 khoản vay với hơn 483 ngàn tỉ dư nợ gốc.
Bùi Văn Dũng, Trần Thị Hoàng Uyên và một số người khác liên quan hành vi trên đã bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng được công an tách ra điều tra ở giai đoạn sau.
Tác giả: Thân Hoàng
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ