Đồi Đá Chông là nơi Bác chọn làm căn cứ của Trung ương Đảng, và cũng là nơi Bác từng sống và làm việc trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1960-1969). Nơi đây đã in đậm dấu ấn của Người, được Bác chăm chút tới từng chi tiết.
Ngôi nhà sàn 2 tầng là nơi Trung ương Đảng họp bàn việc nước. Căn nhà được xây dựng từ năm 1959, mô phỏng theo nhà sàn của Bác ở Hà Nội, tuy nhiên không phải nhà gỗ mà bằng đá và bê tông.
Điều đặc biệt là ngôi nhà trực tiếp do Bác duyệt bản thiết kế.
Hành lang đằng trước và cầu thang tầng 2, được Bác Hồ điều chỉnh thay đổi so với bản thiết kế.
Nhà sàn ở K9 Đá Chông nơi Bác từng sống và làm việc |
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Doan, hướng dẫn viên Đoàn 285, Bộ Tư lệnh Lăng cho biết: "Hành lang ở phía trước và cầu thang lên tầng 2, Bác Hồ có chỉ đạo là nới rộng ra so với bản thiết kế để tương xứng với bề rộng ngôi nhà và cầu thang rộng khi Bác tiếp khách đi lên cầu thang thì Bác và khách sẽ đi cùng với nhau. Tránh người đi trước đi sau, tạo ra sự thân mật và song song bình đẳng giữa chủ và khách.”
Phần cửa tầng 1, theo bản thiết kế của Cục Doanh trại là cửa đóng then cài, tuy nhiên Bác chỉ đạo nên thay bằng cửa đẩy có rãnh trượt.
Với thiết kế này sẽ đẩy được toàn bộ cửa vào trong tường, tạo sự thông thoáng trong ngôi nhà. Đồng thời khi đẩy, bệ cửa phía dưới sẽ lộ ra làm ghế ngồi để các đồng chí có thể nghỉ ngơi sau những cuộc họp. Ngay cả con đường dẫn tới khu nhà sàn và đường quanh khu nhà sàn cũng được Bác chỉ đạo làm bằng thứ vật liệu dân dã, dễ kiếm.
"Khi xây dựng đây là khu căn cứ, các đồng chí của chúng ta có đề nghị với Bác là lát gạch hoặc láng bê tông, nhưng Bác Hồ chỉ đạo trải sỏi cuội cho mát. Sau này khi sử dụng mới thấy sỏi có nhiều tác dụng, rất mát và ngày mưa cũng không bị lầy lội. Khi Bác lên, Người rất thường xuyên đi trên con đường sỏi để rèn luyện sức khỏe. Nên là có con đường sỏi, tên gọi là đường rèn luyện sức khỏe”, Trung úy Trần Thị Doan cho hay.
Trong thời gian chiến tranh, mật danh công trường K9 – căn cứ của Trung ương Đảng là nơi tuyệt mật, người dân địa phương cũng chỉ biết đó là khu công trường. Vậy nhưng Bác đã dành ngoại lệ để tiếp hai đoàn khách nước ngoài. Đó là năm 1961 Bác đón phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai cùng đi có Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ.
Đầu năm 1962, Bác tiếp phái đoàn cấp cao quân sự của Liên Xô do Anh hùng phi công vũ trụ Gherman Titov dẫn đầu. Kỷ niệm trong buổi tiếp Anh hùng phi công vũ trụ Gherman Titov đến nay vẫn còn được các hướng dẫn viên kể lại cho du khách tới thăm khu di tích.
“Chuyến thăm này anh hùng phi công vũ trụ Gherman Titov và Bác Hồ có trồng 2 cây vàng anh, hiện nay vẫn xanh tốt. Cây này có đặc điểm lá của nó bốn mùa xanh tốt, có rụng nhưng không trút theo mùa, cũng thể hiện mong muốn của Bác Hồ về mối quan hệ của Việt Nam và Liên Xô”, hướng dẫn viên cho hay.
Trên tầng 2 của căn nhà sàn là phòng nghỉ của Bác và 2 phòng nghỉ dành cho khách. Khi hoàn thiện ngôi nhà, các đồng chí trong Trung ương Đảng có đề xuất treo một vài bức tranh trong các căn phòng này.
Tuy nhiên Bác hỏi: các cô chú thử ngồi trong phòng nhìn ra cửa sổ xem có bức tranh nào đẹp hơn thế thì treo. Các khung cửa sổ ở tầng 2 Bác chỉ đạo không làm song cửa để mỗi khung cửa như một bức tranh thu nhỏ cảnh thiên nhiên nơi đồi Đá Chông xanh mát.
Cũng trên tầng 2, phòng nghỉ dành cho khách, có đệm, có đèn, bàn ghế và thiết bị hiện đại, còn phòng của Bác lại rất giản dị chỉ có một chiếc giường, chiếc đệm cỏ đồng bào Sơn La tặng Bác và một chiếc đèn ngủ.
Hướng dẫn viên, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Doan cho biết: “Bác Hồ nói với các đồng chí phục vụ những đồ dùng nào tốt hơn, khá hơn nên dành cho khách. Nó thể hiện truyền thống của Việt Nam, hiếu khách và tôn trọng bạn bè. Phòng của Bác Hồ đồ đạc so với phòng của khách đồ đạc có phần giản dị hơn.”
Những câu chuyện nhỏ về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn nhà sàn khu Đá Chông dù rất đời thường, nhưng thực sự lay động lòng người, càng cho ta thêm kính yêu và tự hào về Bác./.
Tác giả: Nguyễn Nhung
Nguồn tin: Báo VOV