Hớn hở vì nhận được một thùng nho to, quả chín đen, chị Kiều Liên ở Kim Mã Thượng (Ba Đình, Hà Nội) lấy tay vặt một quả ăn thử. Hơi nhăn mặt vì chua, chị bảo: "Loại này hơi chua ngọt hơi khó ăn vậy mà giá đắt quá, chỗ này một yến nho tính ra hết gần triệu bạc".
Thế nhưng, theo chị Kiều Liên, kiểu quả xanh ăn chua, còn quả chín thì có vị chua ngọt mới đúng là kiểu nho rừng Tây Bắc chuẩn xịn. Và để về ngâm rượu với ngâm đường làm siro sẽ cho được vị hoàn hảo.
Nho rừng được nhiều người đặt mua để ngâm rượu |
"Chỗ này 1 yến chia ra 3kg để ngâm đường làm siro uống, còn lại 7kg thì cho vào ngâm rượu", chị nói. Năm ngoái chị cũng mua nho rừng về ngâm rượu theo tỷ lệ 2 nho - 1 đường. Khi đường tan hết thì đổ ngập rượu và chờ sau 3 tháng là có món rượu nho rừng thơm ngon. Năm nay, tầm này chị cũng tranh thủ đặt mua về ngâm rượu để Tết Nguyên đán tới có rượu nho uống, đỡ phải đi mua rượu ngoại đắt đỏ.
Song, năm nay nho vừa đắt lại vừa hiếm. Hiện giá nho lên tới 95.000 đồng/kg, phải đặt trước 1 tuần mới có. Giá này đắt gần bằng nho Mỹ (khoảng 120.000 đồng/kg), còn so với nho Úc đỏ có hạt chính vụ 50.000 đồng/kg thì nho rừng đắt gần gấp đôi. Cũng may, đổi lại, nho rừng là hàng sạch, không có chất bảo quản, không có thuốc bảo vệ thực vật nên có thể yên tâm, chị Liên cho hay.
Chị Bùi Thị Nhàn, chủ cửa hàng đặc sản Tây Bắc ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: "Đúng là nho rừng đắt gần bằng nho Mỹ, còn so với giá nho Úc hồi hè thì đắt gần gấp đôi chứ không hề rẻ. Thế nhưng, nho rừng vẫn siêu đắt khách, khách mua toàn phải đặt trước 7-10 ngày".
Theo chị Nhàn, tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, nho rừng mọc ở bìa rừng khá nhiều. Đến mùa thu hoạch, bà con đi hái rồi đem bán. Hiện đang là mùa thu hoạch nho rừng và đến tầm tháng 11 sẽ kết thúc.
Chị Nhàn cũng cho hay, nho rừng khác các loại nho trồng. Quả nho rừng tròn, to chỉ bằng đầu ngón tay, ăn xanh có vị chua, ăn chín thì chua ngọt nhưng khá thơm. Riêng chùm nho thì rất xấu mã, thưa quả và bé. Có khi một chùm dài cả ngang tay mà chỉ có vài quả do chúng là nho dại, không được chăm bón gì.
Giá nho này khá đắt đỏ bởi phải vận chuyển từ các tỉnh vùng cao về xuôi khá vất vả. Đặc biệt, do đi đường dài, quả nho lại chín mọng nên rất dễ thối hỏng. Về đến Hà Nội, chị phải loại quả hỏng rất nhiều nên tỷ lệ hao hụt thường cao.
Trái nho to nhỏ không đều, màu xanh tím, ăn hơi chua nhẹ |
Tương tự, anh Trần Văn Tài, một đầu mối bán nho rừng ở Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) nói thêm, nho rừng hàng tuyển có giá 100.000 đồng/kg nhưng vẫn nhiều khách đặt mua. Còn bán hàng xô, không chọn lọc thì giá 80.000 đồng/kg.
Giá này nói thật là cũng khá cao, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với năm ngoái. Song, theo anh Tài, dù giá cao khách vẫn đặt mua rất nhiều, thậm chí nhiều hôm số lượng nho gom về còn không đủ để trả đơn hàng cho khách đã đặt.
Khách toàn lấy 5-10 kg/lần, thậm chí lấy cả 20 kg/lần. Trong khi, một tuần nho về có một lần, số lượng chỉ dao động từ 2-3 tạ là nhiều.
Hàng rừng mà, mình không thể biết được số lượng về bao nhiêu vì còn phải phụ thuộc người đi hái được nhiều hay ít - anh Tài nói. Như tuần vừa rồi, nho về chưa được hai tạ mà khách đặt trước gần 2,5 tạ. Những lúc hụt hàng như thế, anh lại phải ưu tiên cho khách đặt trước, khách đặt sau đành khất sang lần tới.
Theo anh Tài, nho rừng thật ra không ngon như nho Ninh Thuận, cũng không ngọt giòn như nho Mỹ, Úc. Thế nhưng, chị em lại cực kỳ ưa thích bởi ăn nho này có thể giảm cân, không sợ béo. Ngoài ra, phần lớn khách mua còn để ngâm đường làm siro uống giải nhiệt, ngâm rượu,... Số ít khác mua ăn vì tò mò, muốn nếm thử cho biết mùi vị nên nho rừng lúc nào cũng đắt hàng.
Tác giả: Như Băng
Nguồn tin: Báo VietNamNet