Ngày 30/11, hàng trăm giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Tân Bình, TPHCM tham gia đối thoại với lãnh đạo quận.
Tuổi nghề 20 năm, thu nhập chỉ hơn 3 triệu
Đội ngũ nhân sự công tác trong nhà trường thuộc 2 bậc học này đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn khi công việc áp lực, thời gian làm việc kéo dài nhưng thu nhập rất thấp.
Đặc biệt, đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu làm việc không có chức danh, chỉ theo diện hợp đồng với đồng lương thấp kéo đến đời sống rất khó khăn. Các trường cũng bị “kẹt” vì khó tìm người cho những vị trí hợp đồng như bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ… Nhất là khi các vị trí ngày càng có yêu cầu cao về bằng cấp, nghiệp vụ nhưng lương quá thấp và không có định biên.
Bảo mẫu tại các trường học ở quận Tân Bình, TPHCM chia sẻ làm việc hàng chục năm, thu nhập chỉ trên dưới 3 triệu đồng
Các bảo mẫu, cấp dưỡng làm việc từ 10-12 tiếng một ngày, tổng thu nhập hàng tháng giao động từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng, không có tiền thâm niên nên kể cả những người làm hàng chục năm vẫn vậy.
Bài Thái Thị Hòa, bảo mẫu đang làm việc tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, nghẹn ngào: “Tôi đã làm công việc này 21 năm với mức thu nhập đến nay cũng chỉ trên 3 triệu đồng/tháng. Sắp đến tuổi nghỉ… mà buồn lòng vì tuổi già không có lương, bảo hiểm y tế cũng không có”.
Chị Xuân, công tác tại Trường MN Sơn Ca cho hay, chị đã làm việc 14 năm nhưng thu nhập dậm chân tại chỗ vì không có thâm niên. Tổng thu nhập hàng tháng của chị là 2.870.000 đồng đã trừ bảo hiểm.
Nhân viên phục vụ Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền cho biết, hiện cả trường có khoảng 1.200 học sinh, chưa kể giáo viên nhưng chỉ có mình chị, công việc không xuể ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Nhà trường tìm mọi cách để tuyển dụng nhưng không không tìm được người.
Nhiều giáo viên mầm non cũng chia sẻ về công việc gặp khó đủ đường như hiện nay quay vấn đề muôn thuở như thời gian làm việc kéo dài, áp lực, trách nhiệm công việc rất lớn trong khi đồng lương thấp.
Giáo viên mầm non đánh mất tuổi xuân vì công việc
Trao đổi tại buổi đối thoại, ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho hay hiện nay đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu và cả bảo vệ trong nhà trường mầm non, tiểu học đang thiệt thòi khi mà chức danh không có vị trí này. Nhưng lại có tiêu chuẩn, đầu vào bắt buộc rất cao, công việc rất nhiều nhưng… lương rất thấp.
Về công việc của giáo viên mầm non, ông Huy nói lên tâm tư khó bày tỏ của rất nhiều cô giáo: “Họ phải đến trường từ 6 giờ sáng để chuẩn bị lớp, đón trẻ và 5 - 6 giờ chiều mới về, mất cả tuổi thanh xuân cho trường lớp. Rất nhiều cô giáo mầm non sống độc thân do không có điều kiện, thời gian để giao lưu mà lương bổng thì lại thấp”.
Nhiều giáo viên mầm non "bỏ quên" tuổi xuân vì nghề (Ảnh minh họa)
Bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết về chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên mầm non có Nghị quyết 01 của thành phố. Cụ thể, hỗ trợ 25% tiền lương/tháng cho mọi đối tượng, kể cả nhân viên như nuôi dưỡng, bảo mẫu, kế toán, bảo vệ, phục vụ… (kể cả trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc các cơ sở công lập. Đối với cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 tháng đến 18 tháng tuổi: Hỗ trợ thêm 35% tiền lương/tháng.
Riêng đối với hỗ trợ giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới (năm đầu tiên được hỗ trợ 100% lương/tháng, năm thứ 2 là 60% và năm thứ ba 50%) thực hiện với thời gian 3 năm, bắt đầu từ năm học 2014-2015 và kết thúc vào năm 2016-2017.
Cũng theo bà Việt Liên, Sở GD-ĐT đang kiến nghị thành phố tiếp tục duy trì thêm 3 năm nữa việc hỗ trợ cho giáo viên mầm non mới ra trường nhằm kích thích mọi người chọn nghề mầm non cũng như để giữ chân giáo viên trẻ, giảm tình trạng giáo viên mới ra trường bỏ việc.
Tại buổi đối thoại, quận Tân Bình cũng trao 100 phần quà cho 100 giáo viên, công nhân viên đang công tác tại các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn. Mỗi phần quà có trị giá 300.000 đồng. Lãnh đạo quận Tân Bình, TPHCM trao phần quà trị giá 300.000 đồng cho các giáo viên, công nhân viên đang làm việc trong trường học. |
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Nguồn tin: