Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) bên cạnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi hai lãnh đạo đặt vòng hoa tưởng niệm tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào ngày 27.5.2016Reuters.
Tiếng chuông hòa bình vang lên vào lúc 8 giờ 15 sáng 6.8 (giờ địa phương), cũng là thời điểm máy bay Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima cách đây 71 năm. Khoảng 50.000 người, bao gồm những người còn sống sót sau vụ ném bom, tham gia buổi lễ mặc niệm tổ chức tại phía tây thành phố Hiroshima, theo Reuters.
Ông Obama trong năm 2016 này là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Hiroshima, và tại đó ông đã kêu gọi các cường quốc hạt nhân, bao gồm cả Mỹ, phải dũng cảm thoát khỏi logic của sự sợ hãi và theo đuổi một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.
“Lời phát biểu của Tổng thống Mỹ cho thấy ông cảm động vì tinh thần của Hiroshima là không chấp nhận tội ác (ám chỉ vũ khí hạt nhân)”, thị trưởng Hiroshima, Kazumi Matsui phát biểu.
Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima vào ngày 6.8.1945, khiến hàng ngàn người chết tại chỗ và khoảng 140.000 người khác thiệt mạng vào cuối năm 1945.
Mỹ còn thả một quả bom nguyên tử khác xuống thành phố Nagasaki vào ngày 9.8.1945, và Nhật Bản đầu hàng sáu ngày sau đó.
“Tôi một lần nữa kêu gọi lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đến thăm những thành phố hứng chịu bom nguyên tử. Tổng thống Obama đã đến thăm Hiroshima và những chuyến thăm như thế này sẽ giúp khắc hoạ sự thật về những vụ ném bom nguyên tử trong mỗi trái tim con người”, theo ông Matsui.
Tại buổi lễ tưởng niệm ở Hiroshima, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bày tỏ quyết tâm hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân.
“Chúng ta không thể để kinh nghiệm đau thương ở Hiroshima và Nagasaki cách đây 71 năm tái diễn. Đây là trách nhiệm của tất cả những ai sống trong thời hiện đại nhằm đạt được mục tiêu một thế giới không vũ khí hạt nhân”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tuyên bố ông sẽ cân nhắc để cho Nhật Bản và Hàn Quốc (hai đồng minh của Washington) tự sản xuất vũ khí hạt nhân hơn là dựa vào Mỹ để được bảo vệ trước mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc.
Nhưng tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada ngày 3.8 cho biết bà không tin rằng Tokyo nên cân nhắc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên đến nay đã tiến hành bốn vụ thử nghiệm hạt nhân, và vụ gần đây nhất là vào tháng 1.2016. Bình Nhưỡng cũng tiến hành hàng loạt vụ phóng thử tên lửa đạn đạo trong năm nay bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Mới nhất là vào ngày 3.8, Triều Tiên lần đầu tiên phóng một tên lửa đạn đạo bay vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Tác giả bài viết: Phúc Duy