Thực tập sinh Việt Nam trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Saitama. Ảnh: Vietnamplus. |
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông báo không chấp nhận đơn xin visa từ một số cơ sở tư vấn du học tại Việt Nam, tuy nhiên không nêu rõ nguyên nhân. Có 12 cơ sở bị đình chỉ quyền đại diện xin cấp visa từ ngày 1/10/2018 đến 31/3/2019 (nhóm 1) và 5 cơ sở khác bị đình chỉ từ ngày 1/12/2018 đến 31/5/2019 (nhóm 2).
Các cơ sở trong nhóm 1 là Công ty TNHH Đào tạo và hợp tác quốc tế Sông Hồng, Công ty TNHH Tư vấn du học Koki, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Tâm Việt, Công ty Cổ phần đầu tư (CPĐT) Phát triển thương mại Liên Việt Thành, CTCP KJVC Việt Nam, Công ty TNHH Tư vấn du học và dịch thuật Minh Nhật, CTCP Du học quốc tế Nhật Hoàng, CTCP Đầu tư và cung ứng nhân lực Năm Châu, Trung tâm tư vấn du học tự túc New Life, Công ty TNHH MTV Dịch vụ giáo dục Thái Nam, Công ty TNHH Đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế Hà Việt và Công ty TNHH Tư vấn giáo dục Trường Minh.
Các cơ sở trong nhóm 2 là Công ty cổ phần (CTCP) Vina Sao Việt, CTCP Đầu tư hợp tác quốc tế Nhật - Việt Himawari, Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Hikari Việt Nam, Trung tâm tư vấn du học Minh Anh thuộc CTCP Phát triển giáo dục và nhân lực Minh Anh, Trung tâm tư vấn du học thuộc CTCP Phát triển giáo dục Hikari Việt Nam.
Theo The Mainichi, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa ra quyết định chặn với 12 cơ sở do nghi ngờ làm giả chứng nhận tiếng Nhật cho các khách hàng người Việt.
Các quan chức Nhật Bản đã phát hiện hơn 10% trong số 6.000 người Việt nộp đơn xin visa đi học không đạt các tiêu chuẩn về ngôn ngữ. Những người này nộp đơn trong khoảng thời gian từ tháng 3/2017 đến 9/2018. Các ứng viên sử dụng dịch vụ tư vấn của 12 cơ sở chiếm đến 30% số người không thông thạo tiếng Nhật. Phát hiện này có thể ảnh hưởng đến việc quốc hội Nhật sẽ cân nhắc kế hoạch chấp nhận thêm các lao động nước ngoài đến nước này.
Năm 2017, người Việt đứng đầu (chiếm 30%) trong nhóm nghi phạm nước ngoài bị bắt ở Nhật Bản, theo dữ liệu của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản. Mainichi đánh giá Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nghi ngờ quy trình xét visa của sinh viên là một nguyên nhân gây nên số liệu tiêu cực nói trên, do đó đã thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp với ứng viên xin visa. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã thông báo tình hình với Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam, nơi cấp chứng nhận hoạt động cho các cơ sở tư vấn bị nghi có vi phạm.
Ông Tomohiro Miyai, Phó giám đốc Tổ chức Dịch vụ sinh viên Nhật Bản (JSSO), cho biết việc chặn đơn visa trong thời gian ngắn đối với các cơ sở tư vấn du học của Việt Nam có thể là cảnh báo để họ cải thiện hoạt động, lưu ý những người có nhu cầu vẫn có thể tự nộp đơn xin visa đến Nhật, theo Pie News.
Tác giả: Khánh Lynh
Nguồn tin: Báo VnExpress