Dự án nhiệt điện Na Dương |
Nhà thầu Trung Quốc áp đảo khi nộp hồ sơ dự thầu dự án nhiệt điện
Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực vừa có báo cáo cập nhật tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650MW. Hiện nay các dự án đang được các chủ đầu tư tích cực triển khai.
Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950MW, trong đó có 2 dự án chưa triển khai, 2 dự án đang chuẩn bị các bước đầu tư.
Cụ thể, tại dự án nhiệt điện Na Dương II công suất 110MW của TKV, báo cáo cho biết ngày 6/1/2020, chủ đầu tư đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC dự án và đóng thầu vào ngày 8/4.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và theo đề nghị của một số nhà thầu mua hồ sơ, chủ đầu tư đã gia hạn thời gian đóng thầu lần 1 đến ngày 6/5 và lần 2 đến ngày 10/6.
Báo cáo nêu rõ đến nay, đã có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, hầu hết là nhà thầu Trung Quốc.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, việc thực hiện các gói thầu đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành và cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ theo tình hình thực tế của dự án.
Dự án nhà máy nhiệt điện Na Dương II là dự án nhóm A, có quy mô công suất 110 MW, tổng mức đầu tư hơn 4.194 tỷ đồng. Điện lượng bình quân 639 triệu kWh/năm. Dự án được xây dựng tại thị trấn Na Dương và xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Đối với dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I công suất 1.200MW, TKV đã tiến hành thông báo mời rộng rãi tới các nhà đầu tư quan tâm trên trang website của tập đoàn từ ngày 10/2. Thời hạn nộp hồ sơ quan tâm trước 16h ngày 10/3 nhưng được gia hạn đến 31/3 do dịch Covid-19.
Kết quả, TKV nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm, trong đó có 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam.
Hiện TKV đang tổ chức đánh giá hồ sơ quan tâm của các nhà đầu tư. Dự kiến sẽ sớm báo cáo Chính phủ kết quả tìm kiếm nhà đầu tư và phương án triển khai dự án
Theo TKV, trường hợp nếu lựa chọn được nhà đầu tư và được Thủ tướng chấp thuận vào cuối năm 2020, dự án có thể đưa vào vận hành vào năm 2026 - 2027
Sau một thập kỷ, dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I hơn 2 tỷ USD vẫn "đắp chiếu"
Vào trung tuần tháng 2 vừa qua, TKV đã phát đi thông báo mời hợp tác đầu tư dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I.
Theo thông báo phát đi, dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I có tổng mức đầu tư 48.516 tỷ đồng (tổng mức đầu tư được phê duyệt theo Quyết định số 348/QĐ-TKV ngày 6/3/2017 của TKV) với nguồn vốn 20% của chủ sở hữu TKV và các nhà đầu tư khác, 80% còn lại đi vay.
Về cơ cấu vốn góp, TKV góp 36%, tối thiểu 2 nhà đầu tư khác góp 64% (mỗi nhà đầu tư nhỏ hơn 36%).
TKV thông báo mời rộng rãi trên trang web của tập đoàn tới các nhà đầu tư quan tâm trong và ngoài nước tham gia góp vốn đầu tư phát triển dự án.
Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I hơn 2 tỷ USD vẫn "đắp chiếu" hơn một thập kỷ. |
Được biết dự án này được Chính phủ giao cho TKV làm chủ đầu tư vào năm 2009. Đến tháng 10/2015, TKV và UBND tỉnh Nghệ An động thổ nhà máy nhiệt điện.
Đây là một trong hai công trình thuộc dự án Trung tâm điện lực Quỳnh Lập được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1359/QĐ-BCT ngày 20/3/2009 với tổng diện tích khoảng 283ha, thuộc quy hoạch khu công nghiệp Đông Hồi – khu kinh tế Đông Nam.
Tổng công suất dự án lên đến 2.400MW với 4 tổ máy, được chia thành 2 giai đoạn: nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I và nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập II (quy mô 1.200MW/nhà máy). Cả 2 nhà máy đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 tính đến 2030 (Quy hoạch điện VII).
Theo Quy hoạch điện VII, dự án sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 vào năm 2022, tổ máy 2 vào năm 2023.
Khi được giao là chủ đầu tư, TKV đã tiến hành thực hiện được một số công việc như báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt mức đầu tư khoảng 48.516 tỷ đồng (2,13 tỷ USD).
Tháng 10/2010, TKV ký thoả thuận chung với liên danh các nhà thầu gồm Doosan (Hàn Quốc) - Lilama - Narime (đều của Việt Nam) để thực hiện gói thầu EPC.
Các bên đã đạt được thoả thuận về việc Doosan cam kết thu xếp vốn 100% giá trị EPC cho dự án, trong đó 85% vốn từ K-ECA và 15% vay thương mại. TKV cũng đã làm việc với các tổ chức tài chính Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo Doosan và các tổ chức tài chính, với nguồn vốn vay nước ngoài khá lớn khoảng 1,4 tỷ USD, việc thu xếp vốn vay cho dự án cần phải có bảo lãnh của Chính phủ.
Sau đó, TKV cho biết do không được bảo lãnh, nên các đối tác đến từ Hàn Quốc đã không tiếp tục tham gia hợp tác đầu tư dự án như đã cam kết.
TKV cũng đàm phán hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển dự án nhưng kết quả đều không thành.
Tác giả: Lệ Chi
Nguồn tin: vietnamfinance.vn